Cần cắt giảm khoản chi không cần thiết để tăng lương
(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tăng lương. Vì hiện nay, cuộc sống của một bộ phận rất lớn người dân, trong đó chủ yếu là công nhân, nhân viên, người lao động đang ngày càng chật vật…
Theo Chính phủ tính toán, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25 lên 30% từ 1/5/2013 thì cần khoảng 60.000 tỷ đồng; trong khi phương án cân đối mới bố trí được trên 28.900 tỷ đồng.
Với thực tế này, để thực hiện mức tăng lương tối thiểu 4 tháng so với năm 2012 và đã tính khoản trên vào dự toán chi thường xuyên, Chính phủ chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2013.
Trước thông tin này, tại cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách năm 2012 - 2013 sáng ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thái độ không đồng tình với kiến nghị giãn tiến độ tăng lương của Chính phủ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ không nên dừng việc tăng lương, vì thực tế hiện nay, cuộc sống của một bộ phận rất lớn người dân, trong đó chủ yếu là công nhân, nhân viên, người lao động đang ngày càng chật vật. Nhưng vì số tiền cho việc tăng lương cần 60.000 nghìn đồng, Chính phủ cần cân đối lại ngân sách, cắt giảm các khoản chi cho các tập đoàn kinh tế. Cũng như cần rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm bớt tiền in ấn các tờ rơi... để tập trung cho việc điều chỉnh tăng lương, nếu không tăng được tất cả thì cũng phải tính toán cho một bộ phận.
Cùng mạch ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho hay, sẽ không hợp lý nếu Chính phủ hoãn tăng lương cho công chức, người lao động, trong khi chưa cải thiện tình trạng đầu tư ngân sách dàn trải, có biểu hiện chi bất hợp lý, chi trùng lặp. Vị đại biểu này nhấn mạnh: “Nguồn ngân sách phân bổ cần cân đối lại, cắt các khoản không cần thiết để tăng lương. Chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức”.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh việc Chính phủ nên thực hiện cải cách tiền lương sớm, nhưng cần tách bạch khối hành chính công và khối doanh nghiệp. Tăng lương là cần thiết nhưng cần cơ cấu lại hệ thống lao động trong khối hành chính.
Trước đó, trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp, đại biểu Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam chia sẻ thực tế: “Bây giờ ra chợ mới thấy sức mua rất hạn chế. Người dân phải tính toán từng ly từng tý. Ngay cơ quan tôi, cơ quan nấu ăn 20.000 đồng/bữa nhưng có cô chỉ ăn 1 bữa rồi không dám ăn nữa mà tự đem cơm đi để tiết kiệm hơn. Như vậy để thấy những người lương thấp và về hưu hết sức khó khăn. Nếu người cán bộ không đủ sống sẽ dẫn đến tham nhũng và các vấn đề xã hội”.
Theo đó, TS.Trần Du Lịch (đoàn TPHCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Tăng lương là xu hướng cần thiết để bảm bảo cuộc sống của công chức cũng như bộ máy chính trị. “Để đảm bảo tăng lương đúng lộ trình, tôi đề xuất cắt giảm các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương và trợ cấp xã hội, ít nhất 10% so với thực chi của năm 2012. Vì tôi thấy rằng, chi ngoài lương còn nhiều khoản vô tội vạ”, đại biểu nói.
Tất nhiên, đồng thời với tăng lương là nâng hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy, xem lại những chức năng không cần thiết. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, chúng ta đã sáp nhập các bộ, tổng cục, nhưng thực tế nhiều nơi bộ máy vẫn phình to ra, vẫn có những trường hợp không làm gì vẫn được hưởng lương và tăng lương đều đặn. Nếu cứ như vậy thì rõ ràng tăng lương không hiệu quả, sẽ gây ra những tác dụng tiêu cực.
Riêng với khu vực doanh nghiệp, theo đề xuất của ông Lịch, lộ trình tăng lương cần cân nhắc kỹ lưỡng. “Bây giờ doanh nghiệp đang khó khăn, coi chừng tăng lương có thể khiến họ càng khó khăn hơn và mất khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ chủ yếu là gia công và lương thấp, không thể đòi hỏi một sớm một chiều thoát ly khỏi đặc điểm này để có lương cao ngay lập tức. Tôi đã tiếp nhận kiến nghị của hiệp hội các ngành hàng với hơn 4 triệu người lao động, họ đề nghị có lộ trình tăng lương phù hợp để họ còn xoay sở”, ông Lịch nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền