(Dân trí) - Đi xe sang, ở biệt thự lớn, dùng "hàng hiệu" đắt tiền… có những điều này chưa hẳn vào danh sách siêu giàu. Tuy nhiên, nếu sở hữu cổ phiếu thì sẽ dễ dàng hơn để hình dung về quy mô tài sản.
Như thế nào được coi là người siêu giàu ở Việt Nam?
Với công chúng nói chung, việc nhìn vào tài sản để ngưỡng mộ thường vẫn là sổ đỏ đất đai, nhà, xe, kim cương, hàng hiệu… Tuy nhiên, để lượng hóa tài sản thì cần phải có sự thẩm định của giới chuyên gia.
Khó mà cân, đo, đong, đếm giá trị tài sản ròng của một vị tỷ phú khi doanh nghiệp của họ chưa niêm yết. Những phát ngôn của người trong cuộc thường khiến dư luận bán tin bán nghi.
Ngay cả những chuyên gia Forbes cũng từng thừa nhận "không biết hết sổ sách cá nhân của các tỷ phú, dù một số có cung cấp".
Khi không có giấy tờ làm căn cứ, Forbes sẽ phải trừ vào tài sản ước tính, còn giá trị tài sản chính thức được công khai chủ yếu dựa vào giá cổ phiếu, sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền và nhiều loại tài sản khác.
NHỮNG TỶ PHÚ USD
Tạp chí Forbes - đơn vị chuyên xếp hạng người giàu thế giới - hiện công nhận Việt Nam có 6 tỷ phú USD.
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup với 7,7 tỷ USD tài sản ròng (xếp thứ 354 thế giới); ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với 3 tỷ USD tài sản ròng (xếp thứ 1086 thế giới); ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank với 2,6 tỷ USD tài sản ròng (xếp thứ 1297 thế giới); bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Holdings với 2,5 tỷ USD tài sản ròng (xếp thứ 1332 thế giới); ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group với 2,2 tỷ USD tài sản ròng (xếp thứ 1502 thế giới). Các số liệu này ghi nhận tại thời điểm cuối ngày 22/12.
Riêng trường hợp tỷ phú Trần Bá Dương, Forbes ghi nhận tài sản dưới danh nghĩa gia đình "Tran Ba Duong & family". Tài sản của gia đình ông Trần Bá Dương hiện được ghi nhận là 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.967 thế giới. Sự khác biệt này từng có lần được giải thích vào năm 2018 khi ông Dương và gia đình lần đầu xuất hiện trong danh sách "tỷ phú USD" của Forbes.
Theo đó, báo cáo quản trị năm 2017 của Thaco - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi và vai trò quản trị của ông Trần Bá Dương - thể hiện sở hữu của ông Trần Bá Dương và vợ là bà Viên Diệu Hoa lần lượt là 6,8% và 5,15% vốn điều lệ tập đoàn. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất của Thaco lại là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trân Oanh với sở hữu tại thời điểm đó là 60,58%, công ty này do bà Viên Diệu Hoa là người đại diện theo pháp luật.
Do không tách rõ ràng quyền sở hữu của những thành viên trong gia đình nên danh xưng tỷ phú cũng gắn liền với sở hữu chung. Điều này giữ nguyên từ năm 2018 cho đến nay.
Một điều khá đặc biệt nữa là Thaco là doanh nghiệp chưa niêm yết nên để xác định giá trị thông thường Forbes phải sử dụng phương pháp định giá khác như tỷ lệ giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của các doanh nghiệp niêm yết có quy mô tương đương.
Tài sản gia đình ông Trần Bá Dương theo đó không thay đổi nhiều theo ngày, dù vậy, quan sát theo từng năm cũng có sự biến động nhất định: Tháng 3/2018 là 1,8 tỷ USD; tháng 3/2019 là 1,7 tỷ USD; tháng 4/2020 là 1,5 tỷ USD và tháng 4/2021 là 1,6 tỷ USD.
SỐ LƯỢNG ĐẠI GIA "NGHÌN TỶ" TĂNG MẠNH
Có thể ở Việt Nam có rất nhiều đại gia "ngầm" với khối tài sản chưa được công khai hết, tuy nhiên, chỉ bằng việc quan sát danh sách người giàu chứng khoán năm qua cũng có thể thấy được phần nào sự gia tăng "chóng mặt" của số lượng tỷ phú ở Việt Nam - bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Nếu như năm 2020, toàn thị trường chứng khoán chỉ có 88 doanh nhân có giá trị tài sản xếp vào diện "nghìn tỷ" (có từ 1.000 tỷ đồng) trở lên thì năm 2021, con số này đã lên tới 150 người và thậm chí đang tăng theo từng ngày.
Ngược lại thời gian thêm một năm về trước đó, năm 2019, số lượng người giàu sở hữu trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 63 người.
Điều này cũng đã phần nào phản ánh sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong hai năm trở lại, đặc biệt là năm 2021. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12 ở mức 1.477,67 điểm tăng 33,86 % so với cuối năm 2020. Trước đó, chỉ số này đã đạt đỉnh ở mức 1.500,81 điểm (đóng cửa) vào ngày 25/11.
Theo dữ liệu thống kê cho đến hết ngày 22/12 (kết phiên giao dịch) thì vị trí "chốt sổ" danh sách Top 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 là ông Phạm Khắc Dũng - Tổng Giám đốc CTCP Sovico với giá trị tài sản đạt 679 tỷ đồng thông qua nắm giữ hơn 24,33 triệu cổ phiếu HDB.
Nếu như năm 2020, toàn thị trường chứng khoán chỉ có 88 doanh nhân có giá trị tài sản xếp vào diện "nghìn tỷ" (có từ 1.000 tỷ đồng) trở lên thì năm 2021, con số này đã lên tới 150 người và thậm chí đang tăng theo từng ngày.
Xếp ngay phía trước là ông Bùi Mạnh Hưng, cổ đông lớn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với giá trị tài sản là 684 tỷ đồng.
Điều đó cũng có nghĩa là ở thời điểm trên, cá nhân phải có giá trị tài sản tối thiểu trên 670 tỷ đồng thì mới có cơ hội lọt vào danh sách "siêu giàu" này.
Trước đó, vào hồi tháng 7, hãng tư vấn Knight Frank công bố báo cáo "The Wealth Report 2021" cho thấy, để lọt vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam, mỗi cá nhân cần sở hữu 160.000 USD (khoảng 3,68 tỷ đồng) trở lên.
Trong năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD, con số này giảm 6% so với con số 20.645 triệu phú USD được công bố trong năm 2019. Với lượng triệu phú này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Nếu xét số lượng siêu triệu phú (những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD), Việt Nam có 390 người giảm 4% so với con số 405 người được công bố trong năm 2019.
Knight Frank ước tính, tốc độ tăng số lượng triệu phú của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 32%, trong khi tốc độ tăng người siêu giàu với tổng tài sản trên 30 triệu USD là 31%.
Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 511 người sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD, trong khi đó, những người có tài sản ròng trên 1 triệu USD dự báo đạt con số 25.812 người trong 4 năm tới.
Một công bố khác của công ty nghiên cứu World Data Lab vào hồi tháng 9 cũng cho hay, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, bên cạnh Indonesia, Philippines, Mỹ…
Tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu là những gia đình chi tiêu từ 11 - 110 USD/ngày. Đến năm 2030, hơn 1 tỷ người dân châu Á sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, trong đó Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người.