Nhà Cường "đôla" thắng lớn, nhiều đại tỷ phú mất tiền tuần qua
(Dân trí) - Cùng với vụ đấu giá rúng động tại Thủ Thiêm, nhiều cổ phiếu bất động sản trong tuần qua tăng "bung nóc", nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan tăng tài sản, nhưng vẫn có một số đại tỷ phú "mất tiền".
Theo Mirae Asset, trong tuần qua (13 - 17/12), xuất hiện nhiều thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Thứ nhất là phiên họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với quyết định quan trọng về chương trình mua trái phiếu là kế hoạch dự tính về điều hành lãi suất năm 2022 và 2023. Thứ hai là phiên chốt hợp đồng tương lai tháng 12 (phiên 16/12). Thứ ba là phiên chốt danh mục của 2 quỹ ETF (phiên 17/12).
Các sự kiện trên đã khiến VN-Index trải qua những phiên dao động lớn trong ngày, tuy nhiên chỉ số vẫn thành công giữ được tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp.
Chốt tuần tại 1.479,79 điểm, VN-Index tăng 16,25 điểm (tương ứng tăng 1,11%). Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh của dòng tiền, tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến chỉ số.
Thông tin về việc một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 được cho là một trong những động lực đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu bất động sản.
Trong đó, hưởng lợi trực tiếp chính là những cổ phiếu có quỹ đất lớn tại Thủ Thiêm như CTCP Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII). Quỹ đất của doanh nghiệp này có được chủ yếu thông qua các hợp đồng BT mà công ty thực hiện để xây dựng hạ tầng cho khu đô thị. Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm là một đơn vị thuộc CII nhằm phát triển các dự án tại khu đô thị này.
Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai với dự án De Capella rộng 4.700 m2 cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Cổ phiếu QCG tuần qua tăng 22,4% (tương ứng tăng 2.800 đồng/cổ phiếu), đóng phiên cuối tuần tại mức giá 15.300 đồng. Đà tăng của QCG đã giúp tài sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan tăng mạnh hơn 285 tỷ đồng, hiện đạt khoảng 1.559 tỷ đồng.
Ngược lại, trong tuần qua, cổ phiếu có mức giá giảm mạnh nhất trên sàn HSX là TGG của Louis Capital với mức giảm 16,6%.
VIC của Vingroup mặc dù đóng cửa phiên cuối tuần tăng 2% lên 102.000 đồng nhưng tính chung trong một tuần vẫn giảm 1.100 đồng/cổ phiếu (tương ứng giảm 1,07%). Tài sản của người giàu nhất nước - ông Phạm Nhật Vượng - giảm 2.371,5 tỷ đồng.
PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt, dù nằm trong nhóm cổ phiếu bất động sản nhưng lại đứng ngoài xu hướng tăng nóng của nhóm này. Mã này đóng cửa phiên cuối tuần giảm 2.200 đồng (2,25%) xuống còn 95.500 đồng/cổ phiếu và đánh mất tổng cộng 3,24% trong tuần qua.
HPG của Hòa Phát có hai phiên giảm vào ngày 16 và 17/12, đóng cửa tại 46.700 đồng, nhưng trong vòng một tuần vẫn tăng nhẹ 200 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 0,43%.
MSN của Masan Group cũng có hai phiên 16-17/12 diễn biến bất lợi, giảm tổng cộng 3.500 đồng nhưng nhờ diễn biến đầu tuần tích cực nên lũy kế cả tuần vẫn tăng 3.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng tăng 2,47%).
Cú đảo chiều phút chót đợt khớp lệnh ATC phiên cuối tuần đã giúp NVL của Novaland tăng 0,17% trong phiên và tăng 1,95% trong tuần (tương ứng tăng 2.200 đồng).
Như vậy, trong top giàu nhất thị trường chứng khoán, tài sản các đại gia Trần Đình Long, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Bùi Thành Nhơn đều tăng. Trong khi đó, tài sản bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air bị giảm đáng kể do VJC giảm 1,61% (tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu) trong tuần.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index trải qua một tuần tăng điểm nhưng nếu nhìn dài hơn thì diễn biến trong tuần chủ yếu là giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.470 điểm kể từ sau khi chỉ số ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm mạnh gần 100 điểm từ đỉnh gần nhất là mức 1.500.
Trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dòng tiền vẫn khá dè dặt và chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường thể hiện qua khối lượng giao dịch không có sự cải thiện đáng kể cả về giá trị và khối lượng.
Sau khi đã giảm khá mạnh trong tuần trước đó sau những thông tin tiêu cực về biến thể Omicron, nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới cũng như giá các hàng hóa cơ bản đều hồi phục trong tuần vừa qua. Tuy vậy, tác động trước mắt của các yếu tố này đến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là không đáng kể, khi mà hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đều không ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào. Thanh khoản thị trường trên cả ba sàn vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt.