“Cấm” doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh vàng bạc
(Dân trí) - Theo Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, quỹ hưu trí tự nguyện không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán. Và doanh nghiệp bảo hiểm không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập Quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí.
Không được lấy tiền bảo hiểm của dân đi kinh doanh vàng (ảnh minh họa).
Theo Dự thảo Thông tư, doanh nghiệp được triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí phải có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên; Biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng; Chuyên gia tính toán và chuyên gia đầu tư có bằng cấp và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm quản lý quỹ đầu tư dài hạn...
Trong đó, để thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện từ 200 tỷ đồng trở lên và duy trì số dư tối thiểu này. Quỹ hưu trí tự nguyện được quản lý và sử dụng đầu tư phù hợp với chế độ tài chính áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, tài sản hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của quỹ hưu trí tự nguyện không phân chia mà xác định chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm hưu trí; được dùng để đáp ứng các trách nhiệm và chi phí liên quan tới các giao dịch của quỹ hưu trí tự nguyện. Doanh nghiệp bảo hiểm không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, các khoản nợ hoặc vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Nhưng, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của quỹ hưu trí tự nguyện và phần vốn đầu tư của quỹ chủ sở hữu vào quỹ hưu trí tự nguyện để gửi tiền vào ngân hàng, mua trái phiếu, cổ phiếu theo các quy định.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, cơ cấu danh mục đầu tư của nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của quỹ hưu trí tự nguyện và phần vốn đầu tư của quỹ chủ sở hữu vào quỹ hưu trí tự nguyện như sau:
Thứ nhất, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế, nhưng không quá 20% giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 và 10% vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 2 theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, mua trái phiếu Chính phủ không hạn chế, nhưng không thấp hơn 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.
Thứ 3, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính quyền địa phương có bảo lãnh không được vượt quá 20% giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.
Thứ tư, mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa không quá 15% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.
Việc đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 5% khối lượng mỗi lần phát hành và không được vượt quá 10% giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.
Quỹ hưu trí tự nguyện không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán.
Thứ năm, doanh nghiệp bảo hiểm không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý.
Ngoài ra, tuỳ vào sự thay đổi của thị trường tài chính và hoạt động đầu tư, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh phạm vi và tỷ lệ đầu tư.
Về công ty quản lý quỹ, dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí phải uỷ thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện hoặc thuê công ty quản lý quỹ để quản lý danh mục đầu tư các tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện.
Để quản lý danh mục đầu tư các tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện, công ty quản lý quỹ phải có tối thiểu 3 cán bộ có kinh nghiệm quản lý quỹ đầu tư dài hạn, trong số đó phải có tối thiểu 1 cán bộ có năm 5 năm kinh nghiệm quản lý quỹ đầu tư dài hạn.
Công ty quản lý quỹ phải mở, quản lý tách biệt các tài sản đầu tư từ quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ khác của doanh nghiệp bảo hiểm và của các khách hàng khác. Công ty quản lý quỹ không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện để thực hiện bất kỳ giao dịch hay mục đích nào khác ngoài nội dung quy định tại hợp đồng uỷ thác của doanh nghiệp bảo hiểm.
Khi tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho người được bảo hiểm một khoản tiền nhưng tối đa không quá 20% giá trị tài khoản tại thời điểm người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi người được bảo hiểm bắt đầu được nhận quyền lợi hưu trí. Tổng giá trị quyền lợi hưu trí tại thời điểm người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi nhất định theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm được xác định bằng giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tại thời điểm này trừ đi phần quyền lợi hưu trí đã chi trả theo quy định…
An Hạ