Làm giàu không khó:
Cách để trở thành triệu phú đô la ở tuổi 16?
(Dân trí) - Evan bắt đầu hoạt động trên YouTube năm cậu 8 tuổi với kênh riêng có tên gọi là EvanTube. Giờ đây, cậu đã kiếm được trung bình 1,3 triệu USD hằng năm nhờ hơn 1 triệu lượt người theo dõi.
Ngày nay, số lượng tỷ phú - triệu phú chưa tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều trên thế giới, và họ không phải những đứa trẻ sống trong nhung lụa hay hưởng thừa kế từ gia đình. Họ đều là những người đi lên từ hai bàn tay trắng, dù độ tuổi chỉ mới chập chững vị thành niên, nhưng đã khiến không ít người bất ngờ vì khả năng xuất chúng.
Christian Owens: Mac Bundle Box
Hãy chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu của bạn với chúng tôi về email: kinhdoanh@dantri.com.vn |
Christian thành công trước khi chạm mốc 16 tuổi, bởi cậu khởi nghiệp công ty thiết kế đầu tiên của mình năm 14 tuổi, một thời gian sau khi tự tìm tòi học cách thiết kế website.
Sau đó, cậu thuyết phục vô số nhà sản xuất và hãng phân phối chấp nhận gói phần mềm dành cho Mac OS X do cậu sáng tạo nên với lý do Steve Jobs là thần tượng và niềm cảm hứng trong đời. Sản phẩm Mac Bundle Box chính là con gà đẻ trứng vàng để biến cậu bé trở thành một trong những triệu phú trẻ nhất thế giới.
Bài học: Đừng ngần ngại theo đuổi ước mơ của mình, và hãy hướng người tiêu dùng lựa chọn một sản phẩm với giá thành thấp hơn nhưng giá trị tương đương.
Emil Motycka: Motycka Enterprises
Emil bắt đầu công việc cắt cỏ từ khi 9 tuổi, vào thời điểm đó, mọi việc dường như khá dễ dàng đối với một cậu nhóc. Tuy nhiên, tư duy kinh doanh bẩm sinh đã giúp cậu biến điều đơn giản ấy thành công việc hái ra tiền.
Vào năm 13 tuổi, cậu vay 8.000 USD để mua lại một công ty cắt cỏ, sau đó thành lập nên Motycka Enterprises - chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc vườn tược khi tròn 18 tuổi và kiếm khoảng 100.000 USD mùa hè năm ấy.
Bài học: Dù sản phẩm bạn tung ra có giống những điều các công ty khác từng làm đi chăng nữa, hãy tối ưu hóa và mang nó tới tay người tiêu dùng với chất lượng xuất sắc hơn.
Evan: EvanTube
Tất cả những gì cậu làm thường xuyên là thể hiện suy nghĩ và cảm nhận về các trò chơi và mọi thứ mà các cậu bé khác cũng đam mê.
Từ Minecraft, Angry Birds cho tới Legos, cậu nhóc đã làm giàu nhờ những điều bản thân ưa thích ấy.
Cameron Johnson: Cheers and Tears
Cameron kiếm tầm 400.000 USD/tháng khi anh học phổ thông. Điểm xuất phát của anh thực chất lại đơn giản tới ngỡ ngàng, đó là nhận trách nhiệm thiết kế thiệp mời cho bữa tiệc của ba mẹ. Điều đáng ngạc nhiên chính là mọi người đã thuê anh để thiết kế thiệp mời cho họ sau khi tận mục sở thị khả năng của Cameron.
Đứng ra sáng lập Cheers and Tears năm 14 tuổi và tiếp tục phát triển lên phần mềm cùng với quảng cáo qua mang, điều đó giúp anh trở thành triệu phú khi bắt đầu bước chân vào trung học.
Bài học: Nếu thực sự có khả năng ở lĩnh vực gì thì hãy đào sâu và nhân rộng quy mô khi bạn có thể. Chẳng thế mà nhân vật Joker trong Batman từng nói một điều mà rất nhiều người tâm đắc, đó là: “Khi bạn giỏi một việc gì đó, đừng bao giờ làm không công”.
Adam Hildreth: Dubit và Crisp
Adam trở thành triệu phú vào đúng sinh nhật thứ 16 sau khi thành lập nên trang mạng xã hội dành cho thanh thiếu niên với tên gọi Dubit (phổ biến ở Anh). Không dừng lại ở đó, anh tiến xa hơn bằng cách phát triển Crisp - một doanh nghiệp đứng ra bảo vệ trẻ em chống lại những tên bệnh hoạn rình rập trên mạng.
Vào năm 2004, anh lọt vào danh sách 20 người trẻ tuổi giàu nhất nước Anh.
Bài học: Đôi khi hãy nhìn vào những xu hướng phổ biến và nghiên cứu để đi theo hướng tiếp cận khác, cùng với đó là kết hợp tìm kiếm và đưa ra giải pháp cho một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Đó là cách Adam giành được thành công như bây giờ.
Moziah Bridges: Mo’s Bows
Công ty sản xuất nơ đeo cổ của Moziah bắt đầu xuất hiện trên thị trường năm cậu bé 9 tuổi, và tiếp tục mở rộng kinh doanh để thu về 150.000 USD mỗi năm sau đó.
Tính tới thời điểm hiện tại, cậu sở hữu rất nhiều nhân viên và xuất hiện trên hàng loạt tạp chí danh tiếng, đồng thời tự đứng xa sản xuất dòng quần áo riêng đóng mác cá nhân.
Bài học: Nếu bạn quyết định kinh doanh, hãy mở rộng và phát triển hết mức có thể, bên cạnh đó, đừng quên tạo lập một đội trung thành và giỏi giang để giúp đỡ bạn.
Geoff, Dave, & Catherine Cook: My Yearbook
Trước cả thời điểm Facebook trở thành ông trùm mạng xã hội như bây giờ, ba anh em nhà Cook đã sáng lập My Yearbook - một trang mạng xã hội dựa vào ngôi trường bạn theo học. Cơ chế hoạt động tương tự Facebook nhưng chú trọng vào học sinh phổ thông hơn là sinh viên đại học.
Ý tưởng khởi phát từ thời điểm họ chuyển tới sống trong một thị trấn mới và muốn kết bạn.
Sáu năm sau, họ bán My Yearbook cho công ty Quepasa Corps với giá 100 triệu USD. Có thể hiểu rằng bằng việc đáp ứng nhu cầu của bản thân, ba người họ đã sáng tạo và bắt kịp thời cuộc để thỏa mãn mong muốn của những bạn bè đồng trang lứa.
Sanjay & Shavran Kumaran: GoDimensions
Hai anh em hơn kém nhau 2 tuổi này đã tự thành lập nên doanh nghiệp sản xuất trò chơi của riêng họ. Sanjay và Shavran (12 và 14 tuổi) sáng tạo nên vô số ứng dụng với tổng cộng hơn 35.000 lượt download, đặc biệt nổi tiếng với Catch Me Cop.
Các phần mềm do họ sản xuất đều miễn phí đối với người chơi do chi phí để duy trì hoạt động đều dựa vào quảng cáo.
Giờ đây, họ trở thành những người phát biểu tại diễn đàn, sự kiện về các ý tưởng và hiện thực hóa ước mơ kinh doanh cho doanh nhân trẻ tuồi.
Farrhad Acidwalla: Rockstah Media
Farrhad là người sáng lập ra Rockstar Media năm 16 tuổi, một công ty phụ trách marketing với số lượng nhân viên là 20 người trên khắp thế giới.
Cậu từng xuất hiện trên sân khấu của TED Talks – nơi những bài phát biểu từ tài năng toàn cầu truyền cảm hứng cho các bạn trẻ nói riêng và mọi người trên thế giới.
Farrhad được biết đến là một trong những doanh nhân tiềm năng hàng đầu thế hệ hiện tại. Khi trả lời phỏng vấn về thành công ngày nay, cậu chia sẻ: “Đội ngũ của tôi chính là nền tảng tạo nên công ty”.
Bài học: Việc xoay sở một mình đôi khi không phải ý hay, điều nên làm chính là xây dựng nên một nhóm người chuyên nghiệp hỗ trợ bản thân mình vươn xa hơn.
Robert Nay: Bubble Ball App
Nhờ trò chơi nổi tiếng Bubble Ball, Robert đã bỏ túi hơn 2 triệu USD chỉ trong vòng hai tuần khi cậu 14 tuổi. Giờ đây, số lượt tải về đã lên tới 16 triệu, đồng thời, Robert đang tiếp tục phát triển các ứng dụng mới cùng công ty Nay Games.
Bubble Ball từng xuất hiện trên chương trình thu hút đông đảo khán giá Mỹ Good Morning America và liên tục nằm trong danh sách một trong những trò chơi phổ biến nhất trên Apple Store.
Không ít người có thể giành được thành công bất ngờ vì đôi khi còn phụ thuộc may mắn và nhiều yếu tố, nhưng một trong những điều quan trọng và cơ bản ban đầu chính là việc tạo nên sản phẩm tốt để thu hút người tiêu dùng.
Nick D’Aloisio: Summly
Năm 2013, Nick D’Aloisio bán công ty riêng Summly cho ông lớn Yahoo với giá 30 triệu USD, giúp anh trở thành một trong những triệu phú tự thân trẻ nhất thế giới.
Nick hiện tại đang làm việc tại Yahoo và được chính tờ báo Wall Street Journal đặt tên là “Người sáng lập của năm”, ngoài ra, anh còn lọt vào danh sách Time 100 - những bạn trẻ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới - của báo TIME.
Bên cạnh đó, Nick cũng là người trẻ nhất từng nhận được lượng vốn đầu tư mạo hiểu trong lĩnh vực công nghệ từ tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành. Điều đó cho thấy tuổi tác chưa bao giờ là vấn đề ngăn cản sự giàu có, chính bản thân tài năng mới phản ánh chính xác mọi thứ.
Leanna Archer: Leanna’s Hair
Cô bé Leanna khởi nghiệp đóng gói và bán sáp bôi tóc tự làm nhờ công thức bí mật của cụ cố từ năm 9 tuổi. Kể từ đó, cô đã mở rộng toàn bộ hệ thống sang các dòng sản phẩm khác dựa trên bí quyết ấy.
Công ty của Leanna mang về 100.000 USD hằng năm, hiện tại giá trị tài sản ròng của cô lên tới hơn 3 triệu USD.
Cô cũng đã sáng lập nên Quỹ Giáo dục Leanna Archer giúp đỡ và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hơn 200 trẻ em Haiti hằng ngày, bao gồm cả việc học tập. Từ đó có thể hiểu rằng, khi thành công, hãy học cách sẻ chia với những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trâm Phạm
Theo Lifehack