Các "sếp" điện, than, dầu khí trúng cử đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Với 17 đại diện, số lượng đại biểu doanh nhân trong Quốc hội khóa XIV chỉ bằng phân nửa so với khóa trước song vẫn cao hơn đáng kể so với dự kiến cơ cấu ban đầu chỉ là 7 đại biểu. Trong những gương mặt đại biểu Quốc hội khóa mới có Chủ tịch PVN, Chủ tịch EVN, Chủ tịch Vinacomin...

Một số gương mặt ĐBQH doanh nhân khóa XIV
Một số gương mặt ĐBQH doanh nhân khóa XIV

Chiều qua (9/6), danh sách 496 đại biểu Quốc hội (ĐHQH) khóa XIV đã chính thức được Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố, trong số này có 17 đại biểu là doanh nhân.

Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với gần 40 đại biểu doanh nhân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII song vẫn cao hơn so với dự kiến cơ cấu ban đầu chỉ là 7 đại biểu.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tasco là doanh nhân tự ứng cử duy nhất trúng cử với tỷ lệ gần 70%. Các đại biểu còn lại đến từ nhiều doanh nghiệp lớn (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân).

Cụ thể, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trúng cử ĐBQH khóa XIV có ông Nguyễn Quốc Khánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); ông Lê Minh Chuẩn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); ông Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Hai "sếp" ngân hàng là ông Nguyễn Văn Thắng (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (VietinBank); ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh Hà Giang cũng là tân ĐBQH khóa mới.

Ông Phạm Quang Thanh (sinh năm 1981) – Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội là doanh nhân trẻ tuổi nhất trúng cử ĐBQH trong đợt bầu cử vừa qua. Ông Thanh là con trai của cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Một số ĐBQH khác là "sếp" tại những doanh nghiệp đình đám như ông Nguyễn Như So – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; ông Mai Hồng Hải – Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH một thành viên (Becamex IDC); bà Đỗ Thị Thu Hằng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi Đồng Nai.

Trần Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Hà Nam; ông Huỳnh Thành Chung – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước; ông Phạm Phú Quốc – Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM.

Trong đợt bầu cử vừa rồi, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, ĐBQH khóa XII và XIII tiếp tục đắc cử khóa XIV.

Các ĐBQH tái đắc cử khác có ông Nguyễn Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Hanel và ông Nguyễn Phi Thường – Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

Trước đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, mặc dù số lượng ĐBQH doanh nhân nhiều gấp đôi so với khóa XIV, song Quốc hội cũng đã phải tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của 2 nữ doanh nhân là bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) và bà Châu Thị Thu Nga (đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Trong đó, bà Châu Thị Thu Nga bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.

Bích Diệp

Các "sếp" điện, than, dầu khí trúng cử đại biểu Quốc hội - 2