1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Các ông lớn xin giảm cước di động khẩn

(Dân trí) - Sau quyết định đột ngột giảm giá cước di động của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), hai nhà mạng của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng vội vàng trình phương án giảm theo. Tuy nhiên, đệ trình này chưa được cơ quan chủ quản duyệt.

Đại diện hai mạng Vinaphone và Mobifone đều khẳng định, hiện phương án giảm giá cước của 2 mạng này đã được VNPT trình lên Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) xem xét. Theo đó, ngay sau khi phương án này được Bộ thông qua, việc giảm cước sẽ được triển khai  ngay, dự kiến giá cước hai mạng sẽ giảm trong tháng 2 này.

Đây được xem là phản ứng từ phía hai mạng di động của VNPT, sau khi Viettel đột ngột công bố, từ 1/2 sẽ thực hiện đợt giảm cước di động mới, trong đó mức giảm cao nhất lên tới 20%.

Các ông lớn xin giảm cước di động khẩn - 1
Những chiến dịch giảm giá cước của các mạng di động nhỏ khiến các "đại gia" giật mình (Ảnh minh họa)
 
Chưa tiết lộ mức giảm cụ thể, nhưng đại diện Vinaphone và Mobifone đều khẳng định, sẽ tương đương như mức Viettel đã công bố. Nhiều khả năng, các gói cước trả sau sẽ được giảm khoảng 200 đồng/phút và tiếp tục duy trì việc thấp hơn 10 đồng/phút.
 
Tuy nhiên, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được đề xuất từ doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (Viettel và VNPT), Bộ TT-TT sẽ có ý kiến về việc giảm cước. Trong trường hợp Bộ không đồng ý, các doanh nghiệp này sẽ phải làm lại phương án.
 
Hiện, Viettel đã được áp dụng mức giá cước mới là 790 đồng/phút (tất cả các mức cước đã bao gồm VAT). Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, cuộc đua giảm giá cước được các nhà mạng lớn đưa ra khi nhận thấy sự nguy hiểm của những mạng di động nhỏ hơn như Beeline, Vietnamobile…
 
Những chiêu giảm giá gây sốc mà các mạng này đưa ra đã bắt đầu thu hút một lượng không nhỏ khách hàng, đặc biệt là giới trẻ chuyển từ mạng truyền thống sang mạng mới.
 
Trên thực tế khi những “cuộc chiến” giảm giá cước diễn ra, dù các nhà mạng tính toán hơn thiệt đến đâu thì người tiêu dùng vẫn nhận được hưởng lợi nhiều hơn cả. Đó là mặt tích cực khi thị trường viễn thông bước vào thời kỳ cạnh tranh.
 
Liên quan đến việc xử lý số thuê bao trả trước không chịu đăng ký lại thông tin theo quy định (hạn cuối là 31/1), các mạng di động đều khẳng định đã thực hiện đúng lệnh mà Bộ TT-TT ban hành, cắt liên lạc hoàn toàn, sau 24h ngày 31/1.
 
Viettel có số thuê bao bị xử “trảm”  nhiều nhất, gần 50.000, Vinaphone cũng còn khoảng 2.000, chỉ riêng đại diện Mobifone hồ hởi cho biết, trước giờ “G”, mạng này đã hoàn tất đăng ký lại thông tin cho 100% thuê bao trả trước trên hệ thống của mình.
 
P. Thanh