Các "ông lớn" xe hơi đồng loạt dừng hoạt động, đại lý xe cũ lo phá sản
(Dân trí) - Dịch Covid-19 đang tác động rõ lên ngành sản xuất xe hơi và thị trường xe. Hầu hết các hãng xe hơi tại Việt Nam tuyên bố dừng hoạt động, các đại lý xe cũ đối diện việc phá sản hàng loạt.
Ngành ô tô lọt nhóm gia hạn về thuế
Bộ Tài chính ngày 3/4 bổ sung thêm 4 nhóm ngành nghề được gia hạn nộp thuế VAT, thuế tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp đó có thêm ngành sản xuất, lắp ráp ô tô , ngành trước đó không được lọt vào nhóm ngành được gia hạn về thuế.
Với việc bổ sung thêm 4 nhóm ngành nghề, số tiền gia hạn thuế tăng thêm 100.000 tỷ đồng. Tổng tiền gia hạn thuế của các doanh nghiệp tại Việt Nam vì tác động của dịch Covid-19 năm 2020 sẽ là khoảng 180.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sẽ đóng đầy đủ nghĩa vụ thuế vào cuối năm 2020 thay vì phải đóng trong thời điểm hiện tại.
Thị trường ô tô Việt Nam hiện nay còn duy nhất Trường Hải - Thaco duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp xe hơi quy mô lớn. Các hãng xe khác như Ford, Toyota, Honda, Mercedes, VinFast, Thành Công... cũng đều tuyên bố tạm dừng hoạt động đến ngày 15/4.
Xe sang khốn khó vì "nhà giàu thắt lưng buộc bụng"
Đại dịch Covid-19 đang khiến ngành kinh doanh xe hơi lâm hoạn nạn , nhiều mẫu xe đắt tiền, phân khúc cao cấp có thể gánh chịu thiệt hại nặng nề do người giàu "thắt lưng buộc bụng" vài tháng đến cả năm.
Hiện các mẫu xe đắt tiền hiện tập trung chủ yếu vào Mercedes, BMW, Audi, Volkwagen, Land Rover, Lexus, Maserati; các dòng xe cao cấp hơn là Porsche, Roll-Royce, Lamborghini...
Một loạt hãng xe khác cũng lâm cảnh bết bát doanh số, xe không nhập về được, thậm chí có khách hàng đề nghị giãn hoặc hủy hợp đồng mua xe chấp nhận mất cọc vì không còn tiền để lấy xe.
Một số đại lý xe cao cấp cũng thừa nhận, doanh số bán hàng tháng 2 và tháng 3 suy giảm rất mạnh. Thậm chí nửa tháng 3 không thể bán được chiếc xe nào do dịch bệnh hoành hành.
Bên cạnh đó, khách hàng của các dòng xe đắt tiền, xe sang chủ yếu là giới nhà giàu, siêu giàu, triệu phú; với tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, nhiều người giàu mất tiền do kinh doanh thua lỗ, phá sản, điều này sẽ làm cho sức mua thị trường giảm đi nhanh chóng.
70% xe 500 đến 700 triệu đồng là xe lắp ráp
Trong phân khúc xe hơi phổ thông có giá bán từ 500 đến 700 triệu đồng thì gần 70% là xe được lắp ráp trong nước , còn lại hơn 30% là nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN.
Theo danh sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, năm 2019, lượng xe phổ thông (có giá bán từ 500 - 700 triệu đồng) hay được gọi là xe phân khúc B có hơn 18 mẫu các loại, tập trung ở các thương hiệu lớn từ Nhật, Hàn và Mỹ.
Tổng doanh số bán xe phân khúc B năm 2019 đạt hơn 135.000 chiếc, chiếm khoảng 43% tổng doanh số bán xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi của Việt Nam năm 2019 (hơn 315.000 chiếc). Đáng chú ý, rất nhiều mẫu xe trong phân khúc B đã và đang là dòng xe có doanh số cao nhất trong phân khúc loại xe, hãng xe.
Xe nhập suy giảm kỷ lục, hợp đồng xe đóng vô thời hạn
Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng qua, lượng xe nhập giảm hơn 17.000 chiếc . Trong khi đó, nhiều hãng xe, doanh nghiệp xe nhập đã tạm ngừng hoặc đóng vô thời hạn hợp đồng xe với đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp nhập xe về Việt Nam cũng đang gặp cảnh doanh số bán xe giảm kỷ lục do dịch bệnh. Việc tạm ngừng, đóng hợp đồng giao xe là giải pháp tình thế tránh phải lưu xe, giảm giá mẫu vì doanh số bán thấp.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện của một số hãng xe lắp ráp trong nước cho biết vẫn còn hoạt động bình thường trong từ 1 đến 3 tháng tới, tiết giảm số lượng xe lắp ráp. Doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước cũng dù duy trì hoạt động song đang khó khăn do nguyên liệu nhập khẩu trở nên đắt đỏ, vận chuyển lâu hơn do dịch bệnh.
Không lo thiếu xe vì các hãng tạm dừng sản xuất
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu đều dừng hoạt động, chính vì vậy, lo ngại nhất là khi dịch Covid-19 được đầy lùi, có khan hiếm xe hay không?
Theo một số doanh nghiệp xe hơi, điều này không đáng quan ngại bởi các hãng xe, doanh nghiệp đều có lượng xe sản xuất dư thừa, hơn nữa, từ đầu năm đến nay, doanh số bán xe thấp, các doanh nghiệp vẫn đủ nguồn cung xe tại các đại lý, nhà máy.
Các hãng xe nhập cũng cho biết, hợp đồng nhập xe có thể sẽ tái khởi động ngay sau khi hết dịch bệnh. Điều quan trọng nhất là sau dịch bệnh, thu nhập và kế hoạch kinh doanh của rất nhiều người bị đảo lộn, điều này sẽ khiến tổng cầu thị trường suy giảm, khó có thể lấy lại nhu cầu cao, khó khiến thị trường khan hiếm, thiếu xe.
Đại lý xe cũ đối diện phá sản vì Covid-19
Hầu hết các đại lý xe cũ đóng cửa, bán hàng qua mạng, mức giá chào bán đang giảm mạnh để nhanh chóng đẩy hàng.
Theo nhiều đại lý xe hơi, việc đóng cửa kinh doanh xe cũ hiện nay là bất khả kháng và khiến cho họ nặng thêm các khoản chi phí cố định thư nhà, bảo dưỡng xe và đặc biệt sẽ khiến giá xe tụt giảm khi xe cũ đều có năm tuổi, càng qua nhanh sẽ khiến xe mất giá.
Một đại lý xe cũ tại Hà Nội nói, từ khi Uber rút khỏi Việt Nam, lập tức thị trường xe cũ suy giảm, dù doanh nghiệp này giảm quy mô nhanh chóng nhưng vẫn dính nợ hơn 10 tỷ đồng. 5 đại lý xe cũ hiện nay, có 3 ở Hà Nội, 1 ở Hải Dương, 1 ở Quảng Ninh và đang phải đóng cửa 3.
An Linh
Tổng hợp