Covid-19 "đóng băng" chợ xe cũ: Đại lý có nguy cơ phá sản hàng loạt
(Dân trí) - Hầu hết các đại lý xe cũ đóng cửa, bán hàng qua mạng, mức giá chào bán đang giảm mạnh để nhanh chóng đẩy hàng.
Nhiều đại lý xe cũ khủng hoảng
Thị trường xe cũ vốn thường ảm đạm ngay sau tết Nguyên đán, nay lại trúng phải mùa dịch Covid-19 kéo dài nên lại càng bi đát hơn. Đến thời điểm này hầu hết các đại lý đều phải đóng cửa do nhu cầu xuống đáy. Thậm chí để duy trì đại lý, nhiều người phải vay nợ, do đó, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài rất nhiều người có thể không trụ nổi.
Dịch Covid-19 diễn ra đầu năm 2020, khiến nhiều đại lý xe bị động. Hết năm 2019 lợi nhuận kinh doanh đều được tất toán nên khi dịch bệnh xảy ra, các đại lý rất khó khăn để cân đối tài sản kinh doanh. Những đại lý nhỏ có thể linh hoạt trong việc thuê địa điểm và chuyển lợi nhuận năm trước sang chi phí cố định của năm 2020. Nhưng những đại lý lớn, doanh nghiệp lớn, phải trả cổ tức cho nhà đầu tư, người hùn vốn.
"Từ tháng 2, tình hình tài chính đã được cảnh báo, suất đầu tư và chi phí cố định đã được tính đến song không ngờ tác động ghê gớm vậy. Hiện giờ chúng tôi vừa phải thuê cửa hàng để duy trì kinh doanh, vừa phải chi tiền để quảng cáo, viết bài trên mạng bán xe cho khách. Tuy nhiên, rất khó khăn", ông Nguyễn Kiên, chủ đại lý xe cũ tại Long Biên cho biết.
Để kinh doanh xe cũ, số tiền phải lên đến vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết người mới mở đại lý đều phải bán xe diện ký gửi (cho khách gửi xe bán, ăn phần trăm) và hầu hết đại lý mở ra phải chung vốn góp chứ ít ai dám tự bỏ tiền đầu tư một showroom một mình.
Số tiền mua trọn xe về đại lý trung bình từ 300 triệu đồng đến 800 triệu đồng/xe. Với đại lý nhỏ, có thể chứa được từ 4-8 chiếc xe, còn lại hầu hết chuyển sang hình thức người bán và người mua chọn bán ký gửi. Hơn nữa, thời điểm này, nhu cầu mua vào các loại xe cũng rất ít, người bán xe cho đại lý thường bị từ chối hoặc bị trả giá rất rẻ.
"Với xe ký gửi, đại lý chịu chi phí bến bãi, mức giá hai bên cam kết chia theo tỷ lệ thỏa thuận hai bên", ông Phạm Vũ, chủ đại lý xe hơi tại Tố Hữu, Hà Nội cho biết.
Lưu xe mỗi ngày, gánh thêm nợ
Thực tế trong một hai năm trở lại đây, kinh doanh xe cũ vẫn khá tốt, nhất là các dòng xe cũ chạy được 5-10 năm, xe phổ thông. Các đại lý thường có lãi sau khi mua đi bán lại xe tại Hà Nội cho khách hàng mua xe chạy dịch vụ hoặc khách hàng mua xe đi cho gia đình.
Tùy theo mỗi loại xe, mức lãi có thể từ 10% đến 20% số vốn bỏ ra, trừ đi các chi phí cố định như: thuê cửa hàng, lãi vay, chi phí hoạt động, lãi bán xe từ vài chục triệu đồng/chiếc, thậm chí có xe đẹp, lãi trăm triệu đồng cũng có.
Tuy nhiên, nếu không bán xe được, áp lực đối với các đại lý xe là cực kỳ khủng khiếp. Thấy kinh doanh được, nên rất nhiều người chung vốn bỏ ra kinh xe cũ, số vốn lớn, cộng với hầu hết phải vay ngân hàng để mua xe vào đã khiến nhiều người vỡ nợ khi không thể bán được xe.
"Nếu đứng một mình, không thể bán được xe cũ, phải móc nối nhiều đại lý với nhau. Mới gia nhập thị trường, lỗ kế hoạch trung bình 3 tháng, điểm hòa vốn 3 tháng liên tiếp. Muốn ăn nhiều thì phải mua trọn xe, còn nếu an toàn chọn bán kiểu ký gửi, ăn phần trăm", ông Kiên, chủ đại lý xe cũ tại Long Biên cho biết.
Cũng theo ông Kiên, thời điểm này hầu hết các đại lý nhỏ mới mở bán xe cũ đều phải bán ký gửi chứ không dám mạo hiểm mua đứt, bán cả như các đại lý lớn. Các loại xe trưng trên cửa hàng cũng thuộc diện khách ký gửi bán hộ vì vốn không dày, rủi ro.
Tuy nhiên, việc doanh số sụt giảm, thị trường xe cũ đóng băng khiến cả đại lý lớn, nhỏ lâm cảnh vỡ trận. Chi phí thuê mặt bằng đang ăn mòn lợi nhuận của rất nhiều đại lý.
Chia sẻ của một đại lý xe cũ, bình quân các cơ sở lập tạm tại khu đất dự án (chưa triển khai) có diện tích trên 40 m2, nếu rộng hơn thì 100 m2. Mức giá thuê cũng phải từ 20 đến 50 triệu đồng/tháng.
"Từ khi Uber rút khỏi Việt Nam, lập tức thị trường xe cũ suy giảm, dù chúng tôi giảm quy mô nhanh chóng nhưng vẫn dính nợ hơn 10 tỷ đồng. 5 đại lý xe cũ hiện nay, có 3 ở Hà Nội, 1 ở Hải Dương, 1 ở Quảng Ninh và đang phải đóng cửa 3. Chúng tôi chỉ chịu được 3 tháng nữa, nếu quá có thể sẽ phá sản toàn bộ bởi mỗi tháng khoản nợ gốc và lãi thanh toán trên 300 triệu đồng/tháng", ông Kiên buồn rầu nói.
An Linh