Các "ông lớn" dồn dập lên sàn, quy mô thị trường chứng khoán sắp vượt 100 tỷ USD

(Dân trí) - Theo BSC, trong năm 2017, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vượt 100 tỷ USD trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng do áp lực từ chủ trương của Nhà Nước.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), năm 2016 chứng kiến sự thay đổi lớn trong quyết tâm của Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến 2 sự kiện lớn: Một là giá trị vốn hóa của sàn UPCoM đã vượt xa sàn Hà Nội (HNX). Tính đến đầu tháng 12/2016, giá trị vốn hóa của sàn UPCoM đạt hơn 253.459 nghìn tỷ đồng, trong khi đó HNX ước đạt 147.246 nghìn tỷ đồng. Hai là, Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất sàn niêm yết được thí điểm thoái vốn. Trong số 9% vốn điều lệ của Vinamilk được chào bán, SCIC đã bán thành công 5,4% vốn (đạt 60% so với kế hoạch) thu về 11.286 tỷ đồng vào ngày 12/12/2016.

Dù vậy, việc thoái vốn nhà nước trong năm 2016 vẫn chậm so với kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015 dự kiến thoái khoảng 26.000 tỷ đồng; đã thoái được 42% nên còn 58% (tức khoảng hơn 15.000 tỷ đồng) phải thực hiện thoái giai đoạn 2016-2020.

Riêng 25 công ty lớn đã và đang lên sàn từ cuối 2016 đến 2017 dự kiến bổ sung cho thị trường hơn 30 tỷ USD vốn hóa.
Riêng 25 công ty lớn đã và đang lên sàn từ cuối 2016 đến 2017 dự kiến bổ sung cho thị trường hơn 30 tỷ USD vốn hóa.

Theo BSC, trong năm 2017, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vượt 100 tỷ USD trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng do áp lực từ chủ trương của Nhà Nước.

Cụ thể, với Thông tư số 180/2015/TTBTC do Bộ Tài chính ban hành đã hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, nhằm siết chặt hơn thời hạn đăng ký giao dịch trên sàn Upcom. Bên cạnh đó, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ những vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hiện tại, 25 doanh nghiệp lớn đã và dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán kéo dài từ cuối 2016 đến 2017, như Sabeco, Vinatex, Novaland, Thaco,… ước tính tương đương khoảng 30,6 tỷ USD, tức khoảng 40% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam hiện tại.

Trong đó, vốn hóa ước tính của Sabeco là 5,56 tỷ USD, Cảng hàng không - ACV là 4,75 tỷ USD; Petrolimex là 2,1 tỷ USD; Vietnam Airlines là 2,7 tỷ USD; Masan Consumer xấp xỉ 2 tỷ USD; Novaland là 1,6 tỷ USD; Mobifone là 3,66 tỷ USD; Vietjet là 1,57 tỷ USD;...

25 doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến quy mô thị trường trong giai đoạn sắp tới
25 doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến quy mô thị trường trong giai đoạn sắp tới

BSC cho rằng, mặc dù đợt thoái vốn Vinamilk vừa qua chưa thành công như dự kiến song cũng là một trường hợp điển hình để Nhà nước có kế hoạch thực hiện những đợt thoái vốn sắp tới hiệu quả hơn.

Năm 2017 cũng sẽ là năm quan trọng trong lộ trình tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn Nhà nước kể cả đối với những DNNN lớn chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn trong năm 2016. Chưa kể đến áp lực thoái vốn từ các ngân hàng, tập đoàn đầu tư lớn của Nhà nước.

Về tác động của thoái vốn đến TTCK, báo cáo của BSC nhận định, trong dài hạn, thoái vốn Nhà nước cộng với niêm yết và nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến quy mô TTCK Việt Nam tăng nhanh, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, nâng hạng thị trường mới nổi. Thị trường sẽ có thêm nhiều hàng hóa có chất lượng tốt hơn thì cũng cần thiết một khối lượng tiền đối ứng để hấp thu hết khối lượng hàng hóa trong các đợt bán vốn Nhà nước lớn trong thời gian tới.

Tuy nhiên có thể trong ngắn hạn dòng tiền không tăng trưởng kịp cùng với tốc độ thoái vốn và niêm yết mới, dẫn đến hụt cầu trong một giai đoạn với TTCK niêm yết - báo cáo lo ngại.

Bích Diệp