Dàn cổ phiếu "khủng" đổ bộ thị trường chứng khoán đầu năm mới

(Dân trí) - Vietnam Airlines, Vinatex, Masan Consumer, VIB... là những cái tên đáng chú ý ngay từ đầu năm 2017 khi ồ ạt đưa cổ phiếu lên sàn; trong đó có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lên tới hàng tỷ USD.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2017, thị trường chứng khoán đã chuẩn bị đón nhận hàng loạt cổ phiếu "nóng" giao dịch trên sàn UPCoM. Chỉ riêng trong ngày 3/1 đã có hai "ông lớn" đầu ngành cùng "lên sàn" là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Điểm chung là cả hai doanh nghiệp này đều đã thực hiện IPO khá lâu, từ năm 2014.

Cụ thể, mã giao dịch trên sàn chứng khoán của Vietnam Airlines là HVN. HVN sẽ giao dịch phiên đầu tiên trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu là 28.000 đồng (cao hơn so với mức giá trúng bình quân 22.307 đồng tại thời điểm doanh nghiệp này IPO năm 2014). Số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch gần 1,23 tỷ cổ phiếu.

Như vậy, mới mức giá tham chiếu nói trên, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines vào khoảng 34.400 tỷ đồng tương đương khoảng 1,5 tỷ USD.

Đến thời điểm cuối tháng 11/2016, trong cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines, cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,16% vốn, ANA Holdings Inc (Nhật Bản) là cổ đông chiến lược nắm giữ 8,77% vốn.

Thị trường chứng khoán chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp lớn ngay trong những ngày đầu năm mới
Thị trường chứng khoán chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp lớn ngay trong những ngày đầu năm mới

Cùng ngày, "ông lớn" dệt may Vinatex cũng "đổ bộ" sàn UPCoM với mã chứng khoán VGT. Khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch của VGT là 500 triệu đơn vị, mức giá tham chiếu ở mức 13.500 đồng (cao hơn mức giá trúng bình quân là 11.000 đồng hồi IPO năm 2014). Như vậy, mức vốn hóa của Vinatex ứng với giá tham chiếu là 6.750 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ đông Nhà nước nắm giữ 54% cổ phần Vinatex, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) lần lượt sở hữu 10% và 14% cổ phần doanh nghiệp này.

Ngoài ra, trong ngày hôm nay, sàn UPCoM cũng đón chào sự có mặt của hai "tân binh" là CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội và CTCP Licogi 12. Theo đó, 36,8 triệu cổ phiếu của CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội sẽ được giao dịch với mã chứng khoán HEM, giá tham chiếu 13.700 đồng. CTCP Licogi 12 cũng đưa 5 triệu cổ phiếu lên giao dịch UPCoM với mã L12, giá tham chiếu 10.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên.

Trong tuần này (ngày 5/1), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cũng đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu với mã MCH. Giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 90.000 đồng. Như vậy, ước tính vốn hóa của Masan Consumer lên tới 48.400 tỷ đồng (hơn 2,1 tỷ USD).

Bước sang đầu tuần tới (9/1), một thành viên mới đáng chú ý của sàn UPCoM là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đưa 564,4 triệu cổ phiếu giao dịch. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của VIB là 17.000 đồng. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt trên 9.595 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/11/2016, cổ đông lớn nhất của VIB là Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (1 trong 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới) đang giữ 20% cổ phần của ngân hàng này.

Sáng nay (3/1), tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2017. Theo nhận định của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế với việc cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế. Riêng thị trường cổ phiếu đạt mức huy động hơn 35.000 tỷ đồng trong năm qua.

Lượng cung hàng trên thị trường chứng khoán (đặc biệt là tại sàn UPCoM) kể từ năm nay dự kiến sẽ tăng mạnh do việc siết chặt tiến độ niêm yết đối với các công ty đại chúng. Theo đó, với Thông tư 115 có hiệu lực từ 1/11/2016 cho phép chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Nếu như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tạo được bước tiến lớn khi bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước đưa cổ phiếu sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tiến thêm một bước dài khi quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCOM, nghĩa là cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Bích Diệp