Các nước đánh thuế với nước ngọt ra sao?
(Dân trí) - Nhiều nước trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, tuy nhiên, một số quốc gia đã phải bỏ áp dụng sắc thuế này do không hiệu quả.
Trong hồ sơ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5gram/100ml vào đối tượng chịu thuế.
Thực tế, không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, đề xuất này từng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân và các bệnh liên quan đến nước uống có đường.
Theo Bộ Tài chính, nếu như năm 2012, khoảng 15 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường thì đến năm 2021, ít nhất 50 quốc gia thu thuế trên. 6 trong số 10 nước ASEAN đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tuy nhiên, một số nước sau một thời gian áp dụng sắc thuế này đối với đồ uống có đường lại ghi nhận tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng.
Mặc dù vậy, dưới góc độ của chuyên gia về sức khỏe, bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định tất cả văn bản của thế giới đã khẳng định tác hại của việc tiêu thụ liên tục đồ uống có đường.
Cùng với tuyên truyền, tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm là một giải pháp thiết thực và hiệu quả. Theo bà Mai, ngưỡng tính thuế với sản phẩm đồ uống có đường cũng là 5gram/100ml, nên các doanh nghiệp chỉ cần thay đổi công nghệ, điều chỉnh giảm lượng đường trong sản phẩm là đảm bảo yêu cầu, sản phẩm sẽ không bị tính thuế.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, vấn đề là thời điểm và mức độ, cách đánh thuế sao cho phù hợp.
"Về bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng. Do đó, ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng, thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác", ông đánh giá.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng các loại thực phẩm trên đường phố cũng có thể tác động đến sức khỏe của người dùng song lại nằm ngoài phạm vi chịu thuế.
"Chúng tôi đang nghiên cứu xem đánh thuế như vậy thì tác động như thế nào đến nguồn thu ngân sách, lao động, thu nhập cũng như tăng trưởng của nền kinh tế", bà nói.
Vị này đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5gram/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho rằng về nguyên tắc, nếu đánh thuế với đồ uống có đường 10%, giá bán sản phẩm sẽ phải tăng tương ứng 10%.
"Bởi thuế này là thuế gián thu, người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải trả cuối cùng, tức Chính phủ đánh thuế vào công ty và công ty lại chuyển thuế này vào chi phí tính giá hàng hóa và dịch vụ, do vậy đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng", ông nói.
Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA), cho biết, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của Nhà nước.