1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lộ rõ yếu kém

(Dân trí) - Là những người có mức lợi nhuận cao nhất thế giới trong năm 2011, nhưng các ngân hàng Trung Quốc đang lộ rõ những yếu kém trong quản lý rủi ro khi kinh tế giảm tốc.

Theo thống kê được tạp chí The Banker công bố hồi đầu tháng này, cả 3 vị trí dẫn đầu trong top 1.000 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thế giới năm 2011 đều là các đại diện của Trung Quốc. Chính xác hơn là họ chiếm đến 4 trong 5 vị trí đầu tiên. Tuy nhiên đằng sau những con số lợi nhuận ngất ngưởng là một câu chuyện khác về khả năng quản lý rủi ro mà vụ việc tại tỉnh Chiết Giang mới đây là một ví dụ.

Các ngân hàng Trung Quốc bị cho là dễ dãi trong cấp tín dụng
Các ngân hàng Trung Quốc bị cho là dễ dãi trong cấp tín dụng(Ảnh: internet)

Ngày 16/7/2012 Cơ quan tài chính tỉnh Chiết Giang công bố đã nhận được một là thư “kêu cứu” khẩn cấp được ký bởi 600 công ty tư nhân tại thành phố Hàng Châu. Những doanh nghiệp này đang lâm nguy bởi đã ký kết những thỏa thuận bảo lãnh song phương.

Rất nhiều công ty đang bị các ngân hàng hối thúc trả nợ hoặc đơn giản là “túm” lấy luôn các khoản tiền họ còn trong tài khoản. Trước nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp chỉ còn biết kêu cứu chính quyền can thiệp, đề nghị cho phép giãn nợ trong vòng 3 năm.

Đáng chú ý đây không phải những doanh nghiệp nhỏ mà không ít trong số họ là những thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc. Ví dụ như Hupai Holding Group Co. Ltd, công ty đứng trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước này. Thỏa thuận bảo lãnh song phương là gì? Và tại sao 600 doanh nghiệp tại Chiết Giang lại phải kêu cứu?

Tại Trung Quốc, lĩnh vực ngân hàng hiện hầu như bị chi phối bởi các ngân hàng quốc doanh. Những ngân hàng này trước đây chủ yếu cho vay các doanh nghiệp quốc doanh cả vì lí do chính trị cũng như nhằm giảm rủi ro. Tuy nhiên trong những năm gần đây kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng khiến nhu cầu vay vốn của khu vực này ngày càng cao.

Dù vậy họ vẫn bị các ngân hàng quốc doanh xem là rủi ro cao. Để được phép vay vốn, các doanh nghiệp tư nhân thường được yêu cầu phải có ít nhất một bên đứng ra bảo lãnh. Do quy mô nhỏ, họ đôi khi phải cần đến vài bên bảo lãnh cho một khoản vay 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 8 triệu USD). Trước yêu cầu này của ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ cùng đứng ra bảo lãnh cho nhau để vay vốn.

Ví dụ, có 6 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Mỗi doanh nghiệp cần 50 triệu nhân dân tệ và họ đồng ý bảo lãnh cho nhau. Khi đó một nhóm bảo lãnh được hình thành và nhà băng sẽ chấp thuận cho vay tới 300 triệu nhân dân tệ, gấp 6 lần số tiền thực sự được bảo lãnh. Hiển nhiên rủi ro khi ấy cao hơn rất nhiều.

Nếu bất kỳ doanh nghiệp nào trong 6 doanh nghiệp này không thể hoàn trả nợ đúng hạn, tất cả họ sẽ cùng gặp rắc rối với ngân hàng. Đây chính là những gì đang diễn ra tại tỉnh Chiết Giang. Một ví dụ dễ thấy đó là Zhejiang Hangzhou Group Co. Ltd đã bảo lãnh một khoản vay 30 triệu nhân dân tệ cho Rongshi Group và sau đó chính Rongshi Group lại bảo lãnh cho Zhejiang Hangzhou Group vay 98 triệu nhân dân tệ.

Trong khi đó Zhejiang Hangzhou Group Co. Ltd và Zhejiang Industry Holding đã bảo lãnh vay vốn song phương cho nhau ở một khoản vay khác có giá trị 40 triệu nhân dân tệ. Như vậy 1 nhóm bảo lãnh nữa đã được hình thành. Vấn đề là các bên tham gia bảo lãnh song phương với Zhejiang Hangzhou Group Co. Ltd cũng có thể đi bảo lãnh cho các công ty khác vay.

Trên thực tế là Rongshi Group có quan hệ bảo lãnh song phương không chỉ với Zhejiang Hangzhou Group mà còn thêm 4 bên khác. Các nhóm bảo lãnh cứ ngày càng mở rộng thì rủi ro lại càng tăng.

Hiện cuộc khủng hoảng nợ bảo lãnh song phương tại Chiết Giang đang liên quan tới hơn 600 doanh nghiệp. Trong đó, theo báo cáo của Hiệp hội hàng nội thất Hàng Châu, riêng ngành nội thất thành phố này có tới hơn 100 doanh nghiệp bị vướng vào khủng hoảng bảo lãnh nợ song phương với tổng trị giá nợ 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) và 23 ngân hàng, trong đó có các “ông lớn” như Bank of China và China Construction Bank.

Liệu cuộc khủng hoảng này còn sâu rộng đến đâu? Không ai có thể biết rõ. Đáng ngại hơn, theo một quan chức cấp cao ngành ngân hàng Chiết Giang, vấn đề này không chỉ diễn ra ở tỉnh này mà còn ở nhiều tỉnh khác. Dù vậy các doanh nghiệp tư nhân tại Chiết Giang có tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế cao hơn hẳn. Hơn nữa hình thức vay vốn này cũng phổ biến nhất tại Chiết Giang, chiếm khoảng 60-70% các khoản vay của doanh nghiệp.

CCB mất trắng 3 tỷ nhân dân tệ vì quản lý rủi ro kém
CCB mất trắng 3 tỷ nhân dân tệ vì quản lý rủi ro kém(Ảnh: internet)

Trong bối cảnh kinh tế giảm tốc thấy rõ, hoạt động kinh doanh khó khăn, các khoản vay theo hình thức trên đang biến thành nợ xấu. Ngày 13/7 vừa qua, Cục quản lý ngân hàng thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) thừa nhận từ đầu năm 2012 đến hết tháng 6, nợ xấu tại đây đã tăng gần gấp đôi, từ 9,5 tỷ nhân dân tệ lên 18,1 tỷ nhân dân tệ.

Nhưng Ôn Châu cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong “tảng băng” nợ xấu của Trung Quốc. Theo tiến sỹ Tianlun Jian, Viện phát triển quốc tế đại học Harvard, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao ở Trung Quốc. Trong đó nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Họ thiếu những kỹ năng để lường trước rủi ro và đây là bài học lớn rút ra được từ cuộc khủng hoảng bảo lãnh vay vốn song phương. Bên cạnh đó còn là lối làm việc vô trách nhiệm từ một số cán bộ ngân hàng khiến các khoản vay rủi ro cao cứ ngày một tăng lên.

Đầu tháng 7, một trong “tứ đại gia” của ngành ngân hàng Trung Quốc là China Construction Bank (CCB) chi nhánh Chiết Giang đã công bố khoản nợ xấu 3 tỷ nhân dân tệ (470 triệu USD). Khoảng 40 – 50 nhân viên bị phát hiện có dính líu trong đó có 3 quan chức cấp cao bị đình chỉ chức vụ.

Khoản nợ xấu trên xuất phát từ các khoản cho vay trong năm 2010 và 2011 cho Zhejiang Zhongjiang Holding khi tình hình tài chính của công ty này đã be bét. Đến tháng 1/2012 công ty này chính thức phá sản và chưa trả cho CCB một đồng tiền lãi nào. Cùng chịu thiệt hại với China Construction Bank còn có một “ông lớn” quốc doanh khác là Bank of China với số tiền cho vay 1 tỷ nhân dân tệ.

Lí do thứ hai lí giải cho sự gia tăng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc đó là sự hụt hơi của nền kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng nhanh, hầu hết các doanh nghiệp đều dễ kiếm lời. Nhưng khi tình hình xấu đí, ngày càng nhiều công ty đối mặt với thử thách về tài chính. Và chỉ cần 1 trong số họ phá sản, các nhóm bảo lãnh vay vốn song phương sẽ đổ vỡ dây chuyền.

Tháng 6 vừa qua, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức 15,1% của tháng 6/2011. Nếu tình hình này còn kéo dài, chắc chắn số lượng doanh nghiệp phải kêu cứu như ở Chiết Giang sẽ còn tăng lên và khi ấy các ngân hàng Trung Quốc sẽ thực sự đối mặt rủi ro lớn.

Thanh Tùng
Theo Epoch times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm