Các ngân hàng lớn thế giới bắt đầu “khép cửa” với Nga

(Dân trí) - Trước việc phương Tây siết cấm vận kinh tế đối với Nga, các ngân hàng lớn trên thế giới đã bắt đầu hạn chế dần hoạt động tại thị trường này. 2 ngân hàng lớn nhất của Nhật mới đây đã đột ngột hủy bỏ các thương vụ lớn và ngừng cho vay.

Theo tờ Financial Times, động thái trên đã cho thấy rõ sự miễn cưỡng của các ngân hàng có quy mô toàn cầu trong việc cấp các khoản tín dụng, hoặc tài trợ cho các thương vụ với khách hàng Nga, và nó diễn ra giữa lúc hoạt động phát hành trái phiếu của nước này đang bị teo tóp do phản ứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một số ngân hàng Nga đã bị phương Tây áp đặt cấm vận

Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), hai ngân hàng lớn nhất Nhật Bản trong những tuần gần đây đã hạn chế hoạt động tại Nga, các nguồn tin của tờ báo Anh khẳng định. “Người Nhật là những người thận trọng hơn ai hết”, một lãnh đạo ngân hàng cấp cao tại Moscow cho biết.

Sự rút lui này cho thấy ảnh hưởng của các lệnh cấm vận đang vượt khỏi các cá nhân cụ thể trong danh sách cấm vận, và ảnh hưởng rộng lớn hơn tới các lĩnh vực kinh doanh.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã khiến thị trường cổ phiếu và trái phiếu Nga nguội lạnh. Tổng lượng trái phiếu được phát hành, cả trong nước và trên thị trường quốc tế, đã giảm 9,1 tỷ USD trong năm nay, tương đương 74% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức thấp nhất kể từ năm 2009, thống kê của Dealogic cho biết.

Tính từ đầu năm đến nay, các công ty Nga mới chỉ thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu quy mô 1 tỷ USD, do tập đoàn khí đốt Gazprom và ngân hàng Sberbank thực hiện. Trong khi đó, giờ này năm ngoái, có tới 9 thương vụ, giúp huy động về 13,1 tỷ USD.

Mỹ và Liên minh châu Âu EU hiện đang phác thảo các kế hoạch về đợt cấm vận thứ hai đối với Nga, trong trường hợp nước này phá vỡ các thỏa thuận 4 bên đạt được tại Geneva, với Ukraine, Mỹ và EU, về việc hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực phía Đông Ukraine.

Bản thỏa thuận dường như có ít hiệu lực, khi trong ngày thứ Sáu, các phiến quân thân Nga tuyên bố từ chối giao nộp vũ khí và không rút khỏi các tòa nhà chính quyền họ chiếm đóng – vốn là những điểm mấu chốt trong thỏa thuận.

SMBC ở phút chót đã rút khỏi một thỏa thuận tài trợ trước xuất khẩu cho Metalloinvest, một tập đoàn kim loại thuộc sở hữu của tỷ phú Alisher Usmanov, người giàu nhất nước Nga. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng trước.

Ngân hàng này cũng ngừng cấp hạn mức tín dụng cho Gunvor, công ty kinh doanh dầu mỏ, sau khi Mỹ áp đặt các trừng phạt đối với nhà đồng sáng lập công ty này là Gennady Timchenko, cho dù các ngân hàng khác tuyên bố vẫn sẽ ủng hộ tập đoàn này. Những người thạo tin cho biết, Gunvor đang thương thảo với SMBC.

BTMU thì quyết định không tham gia thương vụ tài trợ trước xuất khẩu cho Tenex, công ty xuất khẩu nhôm của Nga. Lãnh đạo tại một ngân hàng Nhật cho biết sự thận trọng này không dựa trên những chỉ thị từ giới chính trị gia Tokyo, nhưng bắt nguồn từ nỗi lo sợ lớn hơn rằng họ có thể bị mắc kẹt trong tranh cãi chính trị về Ukraine. “Họ không muốn bị phạt vì bất kỳ hành vi vi phạm nào”.

Sự rút lui của các ngân hàng Nhật là dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự e ngại đang bao phủ các ngân hàng nước ngoài tại Nga. Nhiều thỏa thuận vay vốn đã bị trì hoãn kể từ sau khi khủng hoảng tại Ukraine leo thang hồi tháng 3, khiến các công ty như Uralkali, một nhà sản xuất hóa chất, nhà sản xuất thép NLMK và tập đoàn dầu khí Sibur đều đang phải trì hoãn các thương vụ vay vốn đã được lên kế hoạch.

Một nhân viên ngân hàng cấp cao tại một ngân hàng quốc doanh Nga cho biết, các ngân hàng Mỹ cũng đã ngừng triển khai các hoạt động kinh doanh mới tại Nga. “Thị phần của chúng tôi đã tăng đột biến – chúng tôi chưa bao giờ bận rộn đến thế”, người này cho biết.

Các khoản vay của Nga từ tập đoàn mẹ của BTMU lên tới 7,1 tỷ USD, trong khi danh mục cho vay của SMBC tại Nga là 4,9 tỷ USD.

Dù vậy các ngân hàng này vẫn chưa rời khỏi Nga. Một lãnh đạo ngân hàng của Nhật cho biết ngân hàng ông vẫn “để ngỏ cửa” tại Moscow.

Torbjorn Tornqvist, CEO của Gunvor cho biết công ty ông vẫn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các ngân hàng của mình sau các lệnh cấm vận đối với ông Timchenko. “Tất nhiên một số ngân hàng đến một số ngân hàng đi”, ông Tornqvist khẳng định với Financial Times. “Một số người tăng cường (cho vay); một số thì giảm xuống”.

Các ngân hàng phương Tây thì đã trở nên thận trọng hơn nhiều trong việc cấp các khoản vay mới hoặc các thỏa thuận tài trợ với các khách hàng Nga, mặc dù nhiều ngân hàng cho biết sẽ không đóng cửa các mối quan hệ hiện tại với nước này.

Thanh Tùng
Theo FT
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước