1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

64 tỷ USD chảy khỏi Nga sau 3 tháng căng thẳng với Ukraine

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tiếp tục khiến kinh tế Nga chịu ảnh hưởng nặng nề. Thống kê của ngân hàng trung ương nước này cho thấy 64 tỷ USD tài sản đã bị người Nga chuyển ra khỏi nước này chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Tổng thống Nga Putin ngày 10/4 đã đe “khóa van” khí đốt cấp cho châu Âu
Tổng thống Nga Putin ngày 10/4 đã đe “khóa van” khí đốt cấp cho châu Âu

Với quy mô nêu trên, lượng vốn rời bỏ thị trường Nga trong quý I đã gần bằng cả năm 2013. Ước tính, tổng lượng vốn tháo chạy trong năm nay sẽ tương đương khoảng 12% GDP của nước này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Xu thế này được nhận định sẽ còn tiếp tục nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine còn kéo dài. Các quan chức của Ngân hàng thế giới (WB) từng cảnh báo rằng Moscow sẽ phải chứng kiến thêm 150 tỷ USD chảy khỏi nước này nếu khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Kể từ năm 2008 đến nay gần 500 tỷ USD đã rời bỏ Nga.

Việc luồng vốn đầu tư không ngừng chảy ra đã gây khó cho kinh tế Nga, khiến tăng trưởng ở mức thấp, lạm phát đang tăng nhanh, còn ngân hàng trung ương Nga buộc phải tăng lãi suất để ngăn đà mất giá của đồng rúp.

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đang tìm cách ngăn cản tham vọng của Moscow tại Ukraine bằng cách đe dọa trừng phạt kinh tế nếu Nga sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ của Ukraine. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt mới chỉ dừng lại ở việc đóng băng tài sản của một số quan chức trong chính quyền của ông Putin.

“Gót chân Achilles của kinh tế Nga tiếp tục là sự tháo chạy của các nguồn vốn trong nước sau mỗi cú sốc”, các nhà phân tích Clemens Grafe và Andrew Matheny của ngân hàng Goldman Sachs khẳng định trong một bản báo cáo gần đây. “Chúng tôi cũng cho rằng bất kỳ lệnh cấm vận nào hoặc thậm chí là đe dọa cấm vận nào cuối cùng đều nhắm tới những dòng chảy vốn này”.

Việc mở rộng chương trình đóng băng các tài sản của Nga ở nước ngoài có thể chỉ cần cái bắt tay của một vài chính phủ, trong đó có đảo Síp và đảo British Virgin Islands - những thiên đường thuế của các nhà tài phiệt Nga, cũng như những người giàu có khác của nước này.

Danh sách các tài sản được che giấu ở nước ngòai bao gồm bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng và các công ty tư nhân.

“Những địa điểm này tương đối ít chịu ảnh hưởng từ Nga, khiến các nguồn vốn tư nhân không thể bị các cơ quan công tố Nga đụng tới trong trường hợp bị điều tra pháp lý hoặc bị tịch thu tài sản ở trong nước”, nhà phân tích Alexander Dembitski của công ty CEIC nói.

Quân bài khí đốt của Moscow

Nhưng các cuộc bàn thảo của giới lãnh đạo phương Tây về khả năng đóng băng tài sản trên quy mô rộng hơn, và đe dọa những cấm vận kinh tế nặng hơn lại bị cản trở bởi sự lệ thuộc của châu Âu đối với nguồn khí đốt của Nga, vốn chiếm 30% tổng nhu cầu khí đốt của châu Âu, và một nửa số đó chảy qua Ukraine.

Trong ngày hôm qua (10/4), điện Kremlin một lần nữa chứng tỏ ưu thế của mình khi cảnh báo các nước châu Âu rằng Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt sang Ukraine nếu quốc gia này không thanh toán 2,2 tỷ USD tiền mua khí đốt còn nợ.

Trong một bức thư gửi lãnh đạo 18 quốc gia, Tổng thống Putin đã yêu cầu thanh toán sau khi Kiev không thực hiện chi trả vào ngày thứ Hai vừa qua cho lượng khí đốt đã sử dụng trong tháng 3.

Đây nhiều khả năng không phải là lời đe dọa có thể bỏ ngoài tai, bởi tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom từng ngừng cung cấp khí đốt sang Ukraine trong các đợt tranh chấp vào mùa Đông 2005 - 2006 và 2008 - 2009, khiến lượng khí đốt cấp cho châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dù vậy, ngay từ trước cuộc khủng hoảng tại Ukraine, kinh tế Nga cũng đã gặp khó khăn. Đầu tuần này, Bộ kinh tế Nga dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt khoảng 0,5% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 1,3 % của năm ngoái. Trong tháng 2, GDP của Nga chỉ nhích nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi chỉ đạt 0,1% ở tháng trước đó.

Nếu tình hình này tiếp diễn, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến kinh tế Nga tăng trưởng âm. Một dự báo được WB công bố hồi tháng trước cho thấy, trong viễn cảnh xấu nhất, kinh tế Nga sẽ sụt giảm 1,8% trong năm nay. Giới chức Nga đã bác bỏ đánh giá này.

“Sẽ không có một cuộc suy thoái nào hết, nhưng có tình trạng trì trệ: nó kéo dài và sâu”, Andrei Klepach, một người phát ngôn của Bộ kinh tế Nga nói. “Không may là đầu tư tiếp tục sụt giảm nhưng tôi chưa thể nói xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu”.

Tình hình càng xấu hơn khi cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giá trị đồng rúp lao dốc, do các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ các khoản đầu tư vào đồng rúp. Hệ quả là giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng, kéo lạm phát lên cao. Bộ kinh tế Nga hồi tháng 3 dự báo lạm phát năm nay vào khoảng 7%, tăng so với dự báo 6,2% được đưa ra hồi tháng 2.

Thanh Tùng
Theo CNBC
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước