1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Các ngân hàng đã trả nợ dân hơn 100 tấn vàng

(Dân trí) - Tính đến đầu tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn), tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Hơn 100 tấn vàng vừa được ngân hàng trả về cho người dân (ảnh minh họa).

Hơn 100 tấn vàng vừa được ngân hàng trả về cho người dân (ảnh minh họa).

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 3/5/2013, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn) tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng trả nợ một khoản vàng lớn huy động từ dân cư đã “loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống TCTD, từ đó loại trừ khả năng đổ vỡ TCTD, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng”.

Thực tế trên, theo dẫn chứng từ Ngân hàng Nhà nước là đã được chứng minh qua sự kiện người dân ồ ạt rút vàng ra khỏi ACB và một số TCTD khác vào giữa năm 2012, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.

Ngoài ra, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản và ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng Dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đánh giá của trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Sanjay Kalra, trong suốt giai đoạn 2011-2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp liên quan đến thị trường vàng. Các biện pháp này bắt đầu từ tháng 4/2011 bằng việc chấm dứt cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tiếp đó, tháng 4/2012, Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Các biện pháp đã thực hiện của Chính phủ Việt Nam, theo đánh giá của đại diện IMF, được thúc đẩy bởi một số yếu tố nhằm nâng cao khả năng vận hành của thị trường.

Thứ nhất là tăng cường ổn định tài chính bằng cách giảm mức độ rủi ro của các ngân hàng liên quan đến tài sản nợ và có bằng vàng trên bảng cân đối tài sản của mình. Thứ hai, giảm mức độ biến động trên thị trường ngoại hối và vàng và qua đó nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Thứ ba là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thứ tư, về lâu dài, kỳ vọng là thị trường vàng và ngoại hối ổn định hơn, và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung sẽ góp phần giảm mức độ nắm giữ vàng, cải thiện cán cân vãng lai và chuyển đổi từ vàng sang các tài sản “phục vụ sản xuất”.

Nguyễn Hiền