1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không quy định hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn

(Dân trí) - Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.

Theo Thông tư 39 có hiệu lực từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

Theo ý kiến của giới phân tích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39/ 2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.


Không qui định hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn (ảnh minh họa)

Không qui định hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn (ảnh minh họa)

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) Đoàn Thái Sơn giải thích, quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017). Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN là thực hiện (phải bảo đảm phù hợp với Bộ luật dân sự 2015) quy định đã có hiệu lực của Bộ luật dân sự 2015.

“Việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể” - ông Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều người đang hiểu rằng khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân. Trước thắc mắc trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, từ 01/01/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này. Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.

Theo Lãnh đạo Vụ Pháp chế, ở góc độ hộ gia đình họ đang hoang mang vì họ chưa muốn nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Tâm lý của các hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp không chỉ vì vướng bận thêm khâu sổ sách kế toán đúng bài bản mà còn vì tập tục, thói quen kinh doanh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, e ngại thủ tục hành chính nhiêu khê, khác với lợi ích của việc tự khai thuế, không đóng thuế nếu chưa có lời và tự chịu trách nhiệm. Nội dung không liên quan đến quy định tại Thông tư 39.

Khi Thông tư này có hiệu lực vậy thì tất cả hồ sơ, giấy tờ ghi hộ kinh doanh, hộ gia đình đang vay vốn tại ngân hàng hiện nay sẽ như thế nào? Ông Đoàn Thái Sơn giải thích: Điều 34 Thông tư 39 đã có quy định chuyển tiếp cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày Thông tư có hiệu lực.

Về vấn đề lãi suất vay, theo Vụ trưởng, lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.

Về trách nhiệm pháp lý của hộ gia đình vay dưới tư cách cá nhân sẽ được quy định như thế nào, có khác gì với trước, Vụ trưởng cho biết, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, cho rằng: “Thực ra quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 là một điểm tiến bộ. Bởi những năm qua, ngành ngân hàng gánh không biết bao nhiêu hậu quả pháp lý trong quá trình giao dịch kinh doanh với hộ gia đình”.

Luật sư Hải phân tích từ xưa đến nay giao kết pháp lý giữa cá nhân và pháp nhân với ngân hàng được ràng buộc một cách chắc chắn, tức là có làm có chịu, nên ngay cả khi có phát sinh trách nhiệm thì tòa án sẽ rất dễ dàng giải quyết. Trong khi đó hộ gia đình là thành phần mà theo tính pháp lý lại dựa trên sổ hộ khẩu, tất cả thành viên trên 15 tuổi đều phải nhất trí thông qua các giao dịch lớn.

“Thực tế là tòa án tiếp nhận hàng ngàn vụ tranh chấp giữa ngân hàng với hộ gia đình. Thời điểm lập hồ sơ cho vay thì trong hộ khẩu chỉ có cha mẹ và các con, có tài sản bảo đảm là chính căn nhà. Đến lúc gia hạn hợp đồng tín dụng lại không biết những người con trong gia đình đó đã lập gia đình và sổ hộ khẩu nhập thêm con rể, con dâu. Khi xử lý nợ, tòa án nhận thấy con dâu và con rể đều là thành viên trên 15 tuổi và không ký vào biên bản để thông qua biên bản ký khi làm tài sản bảo đảm nên vô hiệu hóa hợp đồng tài sản bảo đảm” - ông Hải dẫn chứng.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, cũng cho rằng quy định trên của Thông tư 39 nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của thế giới.

Ông Đức nói: “Theo thông lệ thế giới, chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là một hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xóa bỏ khỏi Bộ luật Dân sự 2015”.

Phương Linh - An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm