Các hãng xe Việt phụ thuộc lớn vào linh kiện Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc

An Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn linh phụ kiện xe ô tô từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan; riêng 3 thị trường này chiếm gần 62% tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện.

Năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu hơn 4 tỷ USD hàng hóa là linh kiện xe hơi từ nước ngoài. So với năm 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2020 có giảm nhẹ khoảng hơn 100 triệu USD.

Tuy nhiên, xét về cơ cấu nguồn nhập hầu hết các thị trường nhập khẩu vẫn duy trì sự ổn định, thay đổi không đáng kể. 7 nước cung cấp linh kiện lớn cho Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Indonesia và Mỹ vẫn chiếm trên 85% tổng kim ngạch, với 3,4 tỷ USD.

Các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu máy móc, linh kiện từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan

So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch nhập khẩu hàng là linh phụ kiện xe hơi từ 7 thị trường trọng điểm nói trên giảm 200 triệu USD.

Hàn Quốc vẫn là nước Việt Nam nhập khẩu linh phụ kiện ô tô lớn nhất với trên 1,1 tỷ USD, giảm 40 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác như Thái Lan, Việt Nam chi hơn 733 triệu USD nhập linh kiện, Nhật Bản chi hơn 727 triệu USD nhập linh kiện, Indonesia là hơn 174 triệu USD, Đức là hơn 52,4 triệu USD...

Hiện, các dòng xe Hàn tại Việt Nam tương đối lớn, riêng Hyundai đã lắp ráp 100% các sản phẩm phổ thông tại Việt Nam bởi Tập đoàn Thành Công. Bên cạnh đó, Kia cũng được nhập khẩu, lắp ráp nguyên chiếc bởi Thaco - Trường Hải.

Các mẫu Hyundai tại Việt Nam có doanh số cao, năm 2020, doanh số các mẫu xe của Hyundai bán tại Việt Nam đạt gần 81.400 chiếc, tăng gần 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mẫu phổ thông như Accent hay i10, Tucson bán chạy với trên 10.000 đến 20.000 chiếc xe/năm.

Thương hiệu Kia của Hàn Quốc do Thaco lắp ráp năm 2020 cũng có doanh số rất cao, tổng lượng xe bán ra đạt hơn 39.180 chiếc, tăng hơn 9.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Hai hãng xe mang thương hiệu Hàn Quốc có một năm bội thu tại Việt Nam bất chấp dịch bệnh Covi-19, điều này khác so với các hãng xe nhập khẩu hoặc xe liên doanh của Nhật có năm doanh số sụt giảm.

Từ ngày 10/7, theo quy định của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, các loại linh kiện xe hơi nhập khẩu về Việt Nam mà trong nước chưa thể sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Đây là động thái nhằm giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp xe hơi trong nước.

Điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp được hưởng lợi thế ưu đãi này là phải sản xuất sản lượng chung và riêng tối thiểu theo quy định. Đây là tiêu chí đánh giá hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vừa tăng quy mô ngành sản xuất xe hơi cũng như sức mua của thị trường xe hơi Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là các mẫu xe Hàn có tỷ lệ nội địa hóa khá thấp ở Việt Nam, các nhà máy ở Việt Nam hầu như lắp ráp nguyên chiếc, phải nhập từ hệ thống khung gầm, máy, sơn, hệ thống điện, săm lốp và ghế, da...

Chính vì vậy, muốn tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, giảm giá xe, việc nội địa hóa những mẫu xe Hàn tại Việt Nam cần bắt đầu từ đầu tư vào chuỗi sản phẩm hỗ trợ, xây dựng chuỗi vendor để duy trì ổn định lượng hàng hóa, linh kiện đầy đủ cho quá trình sản xuất, lắp ráp xe hơi trong dài hạn.