Các doanh nghiệp đang chuyển đổi xanh thế nào để giảm phát thải carbon?

Nhật Quang

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp cho biết đã thực hiện chuyển đổi xanh từ sớm để tiết giảm chi phí cũng như giảm lượng khí carbon phát thải ra môi trường.

Năm 2030, ngành vận tải dự báo phát thải 90 triệu tấn CO2 

Chiều ngày 12/2, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo với chủ đề Logistics xanh - Đích đến bền vững.

Phát biểu khai mạc, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Trong đó, riêng ngành logistics đang phát thải một lượng lớn carbon - CO2, ước tính ở mức 7-8%.

Bởi vậy, cũng tương tự như yêu cầu với các ngành kinh tế khác, phát triển logistics xanh, giảm phát thải đang trở thành thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị.

Các doanh nghiệp đang chuyển đổi xanh thế nào để giảm phát thải carbon? - 1

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA (Ảnh: BTC).

Cùng với đó, yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa" nhằm giảm phát thải từ các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam khi thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Khoa chia sẻ.

Đại diện hiệp hội nêu, logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải. 75% lượng hàng hóa vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển qua đường sắt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải.

Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn vào năm 2030.

Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm "dấu chân" carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.

"Vì vậy, các doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa yêu cầu bức thiết về xanh hóa trở thành động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn", chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đang làm gì để giảm phát thải?

Theo ông Khoa, doanh nghiệp phải cập nhật những xu hướng, tiêu chuẩn mới của thế giới, hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, các đơn vị cũng cần tối ưu chi phí vận hành, số hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics.

Dưới góc nhìn là doanh nghiệp vận tải hàng không, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch VLA; Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không VietJet, nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tập trung quản lý toàn diện chuỗi cung ứng theo hướng xanh. Các hoạt động này bao gồm cả quản trị vận tải, kho bãi, và dữ liệu logistics, với mục tiêu giảm thiểu tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận.

Việc tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu... để tạo nên một chuỗi cung ứng xanh toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và vận hành, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái xanh và bền vững.

Đi vào cụ thể, từ 10 năm trước, VietJet đã quan tâm đến vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thông qua hành động lựa chọn đội tàu bay thế hệ mới cho đến việc sử dụng năng lượng mới (nhiên liệu hàng không bền vững -Sustainable Aviation Fuel - SAF) tiết kiệm 20% nguyên liệu so với thông thường.

Các doanh nghiệp đang chuyển đổi xanh thế nào để giảm phát thải carbon? - 2

Các diễn giả tại phiên thảo luận chuyên đề "Giảm phát thải trong logistics từ chiến lược đến thực tiễn" (Ảnh: BTC).

SAF - nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững như dầu ăn đã qua sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị… nhiên liệu hàng không bền vững này có thể giúp cắt giảm đến 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu truyền thống.

Ngoài ra, công ty này cũng thực hiện số hóa toàn bộ quy trình thông qua hệ thống ứng dụng trên thiết bị thông minh và website, giảm thiểu tối đa giấy tờ trong công tác vận hành.

Ở góc độ công ty giao nhận hàng hóa, bà Phạm Thị Tình, Giám đốc thương mại chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc Tế Interlog, cho biết, với vai trò là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp vận tải cần thay đổi để phù hợp, chiến lược chuyển đổi xanh cần được định hướng.

Trong mô hình thực hiện chuyển đổi xanh, công ty tập trung vào 3 trụ cột chính, thứ nhất là nhận thức của nhân sự, thứ 2 là chuyển đổi năng lượng và thứ 3 là phải có giải pháp tối ưu để cắt giảm chi phí.

Theo bà Tình, từ cuối năm 2022, Interlog đã tập trung vào đào tạo nội bộ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp tổ chức chuyên đề, hội thảo để tăng nhận thức về chuyển đổi xanh.

Không nằm ngoài xu hướng, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để giảm giấy tờ trong vận hành.

Không chỉ trong nội bộ, doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất, giải pháp giúp giảm lượng phát thải carbon cho khách hàng thông qua tư vấn về tuyến đường, phương tiện giao hàng.