Các đại gia thủy sản miền Tây đã qua “thời khó”?

(Dân trí) - Tên tuổi các đại gia thuỷ sản miền Tây một thời gây “bão” thị trường chứng khoán như Trương Thị Lệ Khanh, Dương Ngọc Minh… thời gian gần đây đã “lắng xuống” do sự đi xuống của giá cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (16/9), các chỉ số chính trên hai sàn cơ sở diễn biến trái chiều. Trong khi VN-Index tăng 3,38 điểm tương ứng 0,34% một cách thuận lợi lên 990,6 điểm thì HNX-Index lại giằng co và tạm kết thúc với mức giảm nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,01% còn 102,18 điểm.

Thanh khoản đạt 95,17 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 2.467,67 tỷ đồng và 14,33 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 204,44 tỷ đồng. Nhìn chung, thị trường giao dịch ở mức trung bình.

Trên quy mô thị trường, số lượng mã tăng - giảm khá cân bằng. Có 261 mã giảm giá, 27 mã giảm sàn và 263 mã tăng, 24 mã tăng trần.

Trong bối cảnh đó, VN-Index được hỗ trợ đáng kể bởi một số mã lớn như GAS, VIC, BID. Trong đó, GAS đóng góp 1,24 điểm cho VN-Index; VIC đóng góp 1,09 điểm và BID đóng góp 0,71 điểm.

MSN, VNM, SAB, PLX cũng đang có diễn biến tăng và ảnh hưởng tích cực đến chỉ số chính. Ngược lại, VCB, HVN, BHN, HNG… lại giảm giá.

Các đại gia thủy sản miền Tây đã qua “thời khó”? - 1

Ông Dương Ngọc Minh và bà Trương Thị Lệ Khanh

Sáng nay, cổ phiếu VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sụt giảm 700 đồng tương ứng 0,88% còn 79.000 đồng mỗi cổ phiếu. Mã này đang trong giai đoạn lên xuống thất thường về giá, song với mức giá hiện tại, VHC vẫn ghi nhận đánh mất gần 6% so với 1 tháng trước.

ANV của Công ty cổ phần Nam Việt cũng đạt mức tăng 0,79% lên 25.500 đồng trong sáng nay. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này.

Cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương chiều nay mới được dịch và mức giá mở cửa là 3.000 đồng. So với mức đáy 2.500 đồng thiết lập đúng 1 tháng trước (phiên 16/8/2019), cổ phiếu của “vua cá” Hùng Vương do đại gia Dương Ngọc Minh quản lý, điều hành đã có sự phục hồi đáng kể.

Nhìn chung, giá cổ phiếu của các “đại gia” thuỷ sản Việt đang có dấu hiệu phụ hồi trở lại trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt kết quả tốt trong 9 tháng đầu năm.

Phát biểu trên báo chí, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay, thủy sản Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường nào quá lớn. Bốn thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, mỗi thị trường chiếm 15 - 17%. Riêng ở thị trường Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mất giá, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều, bởi Việt Nam cơ bản xuất khẩu tính theo USD.

Còn với thị trường Mỹ, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm 5%, nhưng nay không phải chịu thuế này, nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ và Indonesia trong thời gian tới.

BVSC cho rằng, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong những phiên đầu tuần. VN-Index được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 990-993 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng đây là vùng kháng cự mạnh với nhiều lần kiểm định không thành công của chỉ số trước đó.

Do vậy, áp lực rung lắc điều chỉnh của thị trường có thể sẽ xuất hiện khi tiếp cận vùng cản này trong tuần tới. Nếu tiếp tục vượt qua vùng kháng cự này, đích đến tiếp theo của chỉ số sẽ nằm tại vùng kháng cự tâm lý mạnh 1.000-1.005 điểm. Thanh khoản cần tiếp tục có sự cải thiện trong tuần tới để hỗ trợ cho đà tăng điểm của thị trường.

Điểm tiêu cực vẫn là hoạt động bán ròng của khối ngoại. Xu thế bán ròng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.

Cũng trong tuần này, thị trường sẽ chờ đợi thông tin từ cuộc họp của FED sẽ diễn ra vào giữa tuần. Đây sẽ là yếu tố có tác động đáng kể đến diễn biến thị trường.

Chiến lược đầu tư mà BVSC đưa ra là nâng tỷ trọng danh mục lên mức 45-50% cổ phiếu; có thể thực hiện các hoạt động mua trading trong các nhịp thị trường rung lắc, điều chỉnh. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 990 -1.000 điểm.

Mai Chi