1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:

“Các con số thống kê không chuẩn từ lâu rồi”

Trước băn khoăn của dư luận về các chỉ số kinh tế được công bố không chuẩn, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết “vấn đề đó từ lâu rồi”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành 

 

Ông Thành nói, “mình muốn nói gì thì cứ nói theo ý mình thôi. Cho nên chúng ta rất thận trọng với các con số đưa ra. Có trung thực không, vì sao không minh bạch, chúng ta phải thực sự bình tĩnh, nhìn vào sự thật”.

 

Thưa ông, các hội thảo lớn của Trung ương gần đây nêu lên vấn đề kinh tế có nguy cơ trì trệ kéo dài?

 

Điều đó là tất nhiên rồi. Nền kinh tế Việt Nam trong suốt 2 năm qua đang “tự mình đánh vào chân mình” là chính.

 

Kinh tế là gì? kinh tế là doanh nghiệp phải làm ăn phát triển tốt. Mới đây bộ Kế hoạch đầu tư cho biết có gần 40.000 doanh nghiệp chết trong 8 tháng đầu năm. Hiện nay không có giải pháp gì thực sự, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, hai là lãi suất hợp lý, và ba là không có chính sách nào tổng hợp để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nói gì đi nữa cũng không tránh khỏi sự thực là chúng ta chưa có một chính sách gì thật sự giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển. Như thế thì nền kinh tế hoặc là chỉ đi ngang, hoặc là chúc đầu đi xuống nữa.

 

Vậy theo ông, vấn đề chính cần tháo gỡ là gì?

 

Trong mấy năm nay, ngân hàng Nhà nước không quán triệt được vai trò của mình, là ngân hàng Trung ương. Không phải chỉ ngồi đó kiểm tra mấy ông ngân hàng thương mại có lãi suất thế nào, đưa ra lãi suất thế nào. Vai trò của ngân hàng Trung ương là cung ứng đầy đủ liều lượng tiền cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Điều tiết lưu lượng tiền để xác lập một lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp phát triển được. Việc đó ngân hàng Nhà nước chưa có làm. Khi ông Thống đốc nói “lãi suất cao vì ngân hàng thương mại huy động vốn trong dân với lãi suất cao, không thể cho vay với lãi suất thấp”, câu nói đó làm mọi người sửng sốt.

 

Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp không tiếp cận vốn là do vấn đề lợi ích nhóm?

 

Hiện nay chúng ta có 49 ngân hàng, trong đó có khoảng mươi cái đang hoạt động tương đối tốt, còn lại 39 ngân hàng nhỏ hoạt động không tốt. Một phần không nhỏ là do những người có sở hữu chéo và lợi dụng giấy phép trong ngân hàng để huy động vốn trong nhân dân phục vụ cho các doanh nghiệp sân sau của mình.

 

Trong khi đó, ngân hàng Nhà nước lại không đi thanh tra kiểm tra. Chính Thống đốc cho biết có những ngân hàng nợ xấu lên đến 50-60%, phần lớn nợ xấu đó cho các vị có chức có quyền, các vị có cổ đông lớn hoặc trong HĐQT đó vay. Làm như vậy rõ ràng chúng ta không có thanh tra kiểm tra để cho các ngân hàng hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, các ngân hàng đó vi phạm trắng trợn mà không có biện pháp gì mà xử lý.

 

Cho nên hệ thống ngân hàng Việt Nam đi đến chỗ cần xử lý gấp nhưng ngân hàng Nhà nước lại không xử lý. Ví dụ như vừa rồi có quyết định yêu cầu các ngân hàng minh bạch nợ xấu của mình trước 2.6.2013 để ngân hàng Nhà nước biết nhưng tới ngày đó ngân hàng Nhà nước lại rời quyết định sang 2.6.2014.

 

Quyết nghị làm rõ hoạt động của ngân hàng, nợ xấu đến đâu cũng bị rời qua một năm thì làm sao chúng ta thấy được những cái gì sai trái , những cái gì cần phải xử lý trong hệ thống ngân hàng được.

 

có những ngân hàng nợ xấu lên đến 50-60%, phần lớn nợ xấu đó cho các vị có chức có quyền, các vị có cổ đông lớn hoặc trong HĐQT đó vay 

 

Nhiều chuyên gia đang lo ngại tái cơ cấu đang được thực hiện một cách hình thức?

 

Tái cơ cấu là gì, là nền kinh tế đang bị đau ốm làm sao cho mạnh khỏe. Bây giờ doanh nghiệp đang ốm, vì thiếu tiếp cận vốn, thiếu chuyên nghiệp lập ra dự án kinh doanh hợp lý. Muốn cấu trúc lại nền kinh tế , thì ít nhất doanh nghiệp phải khỏe mạnh, ít nhất làm cho nó phục hồi, chứ làm sao cấu trúc được. Trong khi đó bao nhiêu doanh nghiệp chìm vào nợ xấu, tài sản thế chấp thì không có, bây giờ cách gì, nếu không xử lý nợ xấu, đưa ngân hàng đến chỗ khỏe mạnh. Không cấu trúc kinh tế được nếu không giải quyết các vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng, những vi phạm tín dụng ..Lấy phương tiện đâu mà cấu trúc nền kinh tế. Nói thì nói mà các phương tiện làm thì không có , không có quyết tâm quyết liệt xử lý các vấn đề cần phải làm để cho doanh nghiệp có thể phát triển, thì không có cách gì cấu trúc được.

 

Doanh nghiệp Nhà nước là thủ phạm của hơn 30-50% nợ xấu, nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng. Vấn đề cổ phần hóa mười mấy năm nay rồi cũng không làm tới nơi tới chốn , đến giờ đầu tư ngoài ngành như một đại nạn của doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước phải giải quyết thế nào đi, đừng ra lệnh cho các tập đoàn rồi để 2015 mới giải quyết, từ nay đến lúc đó tình hình kinh tế Việt Nam sẽ đi đến đâu , mấy ông lãnh đạo của các tập đoàn không làm thì Nhà nước cần có biện pháp gì để xử lý việc đó, chúng ta cũng chưa thấy. Vì vậy nói cấu trúc nền kinh tế từ doanh nghiệp tư nhân đến doanh nghiệp là bất khả thi vì không có phương tiện để làm , không quyết tâm, quyết liệt để mà làm, đừng có mong mỏi tái cấu trúc cái gì được.

 

Vì sao tiến độ cải cách lại chậm thưa ông?

 

Với doanh nghiệp Nhà nước không phải đơn giản vì ông Thủ tướng không có quyền cách chức ai cả. Đấy là việc tổ chức cán bộ, mà đó là việc của Đảng, chứ không phải việc của Chính phủ. Chúng ta đang vướng về công tác cán bộ, ảnh hưởng tới vấn đề điều động nhân sự cho hợp lý. Nghĩa là nhiều khi ông bộ trưởng không có quyền ra lệnh cho ông nào đó, chắc có lẽ ông đó có quyền trong Đảng cao hơn ông bộ trưởng. Cả vấn đề của chúng ta đang kẹt trong thế đấy là một.

 

Hai nữa là vấn đề nghị quyết Trung ương 4 làm trong sạch chính quyền, trong suốt một năm qua công sức của Đảng điều tra thanh tra này nọ đến nay đi đến đâu? rõ ràng là chúng ta thực hiện cái gì, đạt được cái gì? nếu cho rằng làm các vấn đề theo Nghị quyết 4, mà trong một năm chúng ta không có làm được cái gì cả, thì tất cả các vấn đề khác sẽ chạy theo thôi.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Việt Anh

SGTT