Cá tra Việt Nam "vượt ải cuối cùng" tại Thụy Điển, Phần Lan

(Dân trí) - Phải mất 2 năm, con cá tra của Việt Nam đã được 2 thành viên của WWF tại Thụy Điển, Phần Lan đưa vào danh sách xanh - khuyến nghị tiêu dùng toàn cầu dù WWF đã thực hiện điều này từ cuối tháng 12/2010.

Cá tra Việt Nam vượt ải cuối cùng tại Thụy Điển, Phần Lan
Cá tra Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao, song phải mất thời gian khá dài để vượt qua những rào cản kỹ thuật.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây vừa dẫn nguồn tin từ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, hai quốc gia Thụy Điển và Phần Lan đã đưa cá tra Việt Nam và danh sách xanh Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản của WWF.

Cụ thể, bà Ingar Näslund, quyền Trưởng Bộ phận Thủy sản của WWF Thụy Điển cho biết, WWF Thụy Điển vừa điều chỉnh phiên bản tóm tắt mới nhất của Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản và danh sách xanh Cẩm nang này đã bổ sung sản phẩm cá tra Việt Nam.

Danh sách xanh được hiểu là những sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, được WWF khuyến nghị với người dân nên tin dùng.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam đặt tại nước này đã chuyển thông tin đến WWF Thụy Điển về việc ngành cá tra Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2012 với 10% sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Mục tiêu đến năm 2015, các tra Việt Nam sẽ có 100% sản phẩm đạt một trong số các chứng nhận nuôi có trách nhiệm, trong đó 50% đạt chứng nhận ASC.

Như vậy, đã phải mất tới 2 năm, WWF Thụy Điển mới "bật đèn xanh" cho chất lượng cá tra Việt Nam ở thị trường Thụy Điển, trong khi các thành viên khác của WWF hầu hết đã chấp nhận.

Trong một động thái liên quan, WWF Phần Lan cũng đưa tin về việc ngành cá tra Việt Nam đạt mục tiêu sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn ASC năm 2012 trên website của WWF Phần Lan.

Tại Na Uy, cá tra Việt Nam không còn nằm trong “danh sách xám”. Việc bị đặt trong danh sách này đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam cần bổ sung thêm chứng chỉ của ASC.

Hồi cuối năm 2010, do dựa trên dữ liệu thiếu thực tế nên WWF Bắc Âu đã đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” của cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng lưu hành ở một số nước châu Âu.

WWF tại thời điểm đó đã  khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng  sản phẩm cá tra Việt Nam vì quan ngại, nghề nuôi cá tra Việt Nam ảnh hưởng tới môi trường.

Vụ việc này từng gây rúng động dư luận vì đã khiến nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng. Phía Việt Nam đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ, khiến WWF phải rút cá tra phải danh sách này ngày 17/12/2010, đồng thời khuyến nghị người tiêu dùng toàn cầu nên mua cá tra Việt Nam.

Bích Diệp