1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Vua tiêu" Phan Minh Thông:

"Cà phê Việt ngon mà không đưa ra nước ngoài là sự lãng phí lớn"

Vĩ Quang

(Dân trí) - Cà phê Việt ngon nhưng đa số người Việt lại quen uống cà phê trộn đậu nành, hóa chất, người nước ngoài thì ít biết tới. Cà phê ngon mà không được đưa ra thị trường quốc tế là sự lãng phí lớn...

Chia sẻ với phóng viên Dân trí bên lề lễ ký kết hợp tác giữa Phúc Sinh Consumer và Công ty LNS International Corporation (LNS) nhằm phân phối cà phê thương hiệu K Coffee tại thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc và New Zealand, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Consumer - kỳ vọng người Việt trên toàn thế giới cũng như người tiêu dùng quốc tế có thể uống cà phê Việt do một nhãn hiệu Việt Nam sản xuất.

Theo ông Thông, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, các mặt hàng cà phê được xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô. Chính vì vậy, tỷ lệ người tiêu dùng trên thế giới biết thương hiệu cà phê Việt chưa nhiều, dù nước ta có nhiều loại cà phê thơm ngon, thượng hạng.

"Cà phê Việt ngon như vậy mà không được đưa ra thị trường quốc tế là một sự lãng phí lớn", ông Thông nhấn mạnh.

Người được mệnh danh là "vua tiêu" Việt Nam cho rằng hiện nhiều thương hiệu cà phê Việt chạy theo số lượng mà không quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Do đó, cà phê Việt chưa được đánh giá cao, thậm chí bị bán giá thấp hơn những sản phẩm cùng loại từ nước khác. 

Cà phê Việt ngon mà không đưa ra nước ngoài là sự lãng phí lớn - 1

Ông Phan Minh Thông tại sự kiện ký kết hợp tác đưa cà phê Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc... (Ảnh: H. Yến).

Bên cạnh đó, thực tế là người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa có nhiều cơ hội để thưởng thức cà phê ngon, chất lượng cao. Nguyên nhân là đa số người tiêu dùng Việt Nam quen uống các loại cà phê trộn hương liệu, đậu bắp, đậu nành.

Ông Thông kể về câu chuyện nhiều hãng cà phê trên thế giới đến Việt Nam và nói đùa rằng "đến Việt Nam - là nước sản xuất cà phê - mà không được uống cà phê", có nghĩa là tỷ lệ pha trộn đậu bắp, đậu nành, hóa chất… trong cà phê nhiều suốt thời gian qua.

Ông Thông đưa thương hiệu cà phê Việt qua thị trường Mỹ hơn một năm nay, đến nay xuất khẩu được khoảng 50.000 thùng cà phê sang Mỹ. 

Dù thế, việc đưa cà phê sang Mỹ của công ty ông cũng gặp không ít khó khăn. Lý do là hệ thống phân phối tại Mỹ vốn đã được định hình, công ty phải thuyết phục các đơn vị phân phối để đưa sản phẩm vào. Ngoài ra, các vấn đề về chi phí, khâu kiểm định chặt chẽ, con người, văn hóa… cũng là những thách thức đối với doanh nghiệp.

Ông tiết lộ, ngoài thị trường Mỹ, từ tháng 12 tới, LNS - đơn vị vừa ký kết hợp tác với doanh nghiệp ông - sẽ xuất khẩu cà phê sang châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản. LNS hiện có trụ sở chính ở Mỹ, các văn phòng tại Italy, New Zealand, Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm