Cả nước trải qua tháng giảm phát thứ 2 liên tiếp

(Dân trí) - Mức giảm giá tiêu dùng ghi nhận đồng loạt ở nhiều mặt hàng trong khi, với việc chấp nhận cho phép giá thuốc và dịch vụ y tế tăng từ 5-20 lần thì chỉ số giá chung của nhóm này đã tăng 3,36% trong khi CPI cả nước âm 0,29%.

(Nguồn: Dân trí/GSO).
(Nguồn: Dân trí/GSO).

Tổng cục Thống kê sáng nay vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7. Trong kỳ tính này, CPI tiếp tục giảm 0,29% so với tháng 6, và là tháng giảm phát thứ 2 liên tiếp. Trước đó, CPI tháng 6 của cả nước đã giảm 0,26% so tháng 5 và ghi nhận lần giảm đầu tiên sau 38 tháng tăng.

So cùng kỳ năm 2011, CPI tháng 7 tăng 5,35% và so tháng 12/2011, CPI tăng 2,22% - cách xa mục tiêu CPI cả năm nay là 8-9%.

Mức giảm này của CPI cả nước không gây nhiều bất ngờ do trước đó, nhiều trọng điểm kinh tế đã công bố giảm phát, lần lượt Hà Nội (-0,29%), TPHCM (-0,57%), Đà Nẵng (-0,21%)...

Chiếm 40% rổ tính giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục đà giảm mạnh với mức giảm 0,47% do đang thời điểm nguồn cung lương thực dồi dào và tâm lý e ngại dịch bệnh ở nhiều loại gia súc, gia cầm trên nhiều địa bàn cả nước. 

Mặt hàng lương thực giảm 1,49% do khó khăn ở khâu xuất khẩu gạo khiến lượng hàng tồn trong nước dâng cao và tác động làm giá cả liên tục đi xuống kể từ đầu năm đến nay.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, bưu chính viễn thông giảm lần lượt so tháng 6 là 0,93% và 0,08%. Mức giảm mạnh được ghi nhận ở nhóm giao thông: 2,71%. Điều này khá dễ hiểu khi giá gas, xăng dầu sau những lần điều chỉnh giảm liên tiếp đã kéo theo cước taxi, cước vận tải đồng loạt giảm. Mới đây, việc giá xăng bất ngờ tăng lên 400 đồng/lít không nằm trong kỳ tính giá và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến kỳ tính CPI của tháng 8, tháng 9.

Cùng với đó, việc tăng giá điện trong tháng 7 cũng chưa cho thấy mức tác động đáng kể nào vào việc đẩy giá tiêu dùng lên, mà dự kiến sẽ tác động vào CPI các tháng tới.

Trong chiều ngược lại, các nhóm hàng có giá tăng cao có thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 3,36% so tháng trước, các nhóm hàng khác tăng từ 0,22% đến 0,51% so tháng 6. Về nhóm thuốc và các dịch vụ y tế, mới đây Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành có ban hành thông tư cho phép giá các dịch vụ y tế tăng từ 5 đến 20 lần so với trước đó.

Không nằm trong rổ tính giá, tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 0,31% so tháng 6 và giảm 7,8% so tháng 12/2011. Chỉ số giá USD giảm 0,05% so tháng 6 và giảm 0,85% so tháng 12/2011.

Bích Diệp