Giảm phát tại nhiều trọng điểm kinh tế
(Dân trí) - Nếu chỉ số CPI so tháng trước âm 0,29% tại Hà Nội thì Long An cũng ghi nhận mức giảm phát 0,06%, Đà Nẵng âm 0,21% và Đồng Nai âm 0,25%.
Nhiều siêu thị, cửa hàng mặc dù đưa ra nhiều "chiêu" khuyến mại, giảm giá song vẫn ế (ảnh minh họa).
Theo thông tin từ một số Cục Thống kê trên cả nước, kết thúc kỳ tính chỉ số giá (CPI) tháng 7, chỉ số này tại nhiều tỉnh, thành phố lớn đã xuống mức âm, tương ứng với tình trạng giảm phát.
Cụ thể, so với tháng trước tại Hà Nội, lần thứ 3 trong năm, CPI âm 0,29%. Trong khi đó, Long An cũng ghi nhận mức giảm phát 0,06%, Đà Nẵng âm 0,21% và Đồng Nai âm 0,25%.
Nhìn chung, tại các địa phương trên, chủ yếu mức giảm vẫn nằm ở giá lương thực, thực phẩm (chiếm tỉ trọng lớn nhất 40% trong rổ tính giá). Ngoài ra, hiệu ứng của việc giảm giá xăng dầu đã thể hiện rõ qua chỉ số giá ở nhóm hàng giao thông. Mức giá bình quân nhóm hàng này ở Hà Nội giảm 2,9% so tháng 6,
Hiện vẫn chưa có số liệu CPI của TPHCM song theo thông lệ, chỉ số giá ở "đầu cầu kinh tế" phía nam thường thấp hơn Hà Nội.
Trước đó, tháng 6, CPI cả nước cũng đã ở mức âm và tháng này, việc giảm phát trong nhiều địa phương trọng điểm kinh tế đã dấy lên những lo ngại về vòng quay tiền.
Tình trạng giảm phát có thể được giải thích do sự trì trệ, bế tắc trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trước giá đầu vào cao, tồn kho tăng, chi phí vay lớn và cầu thị trường thấp, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu chỉ tính riêng tháng 6 thì lạm phát âm chưa đáng lo, có thể coi là tín hiệu mừng. Song nếu kéo dài trong nhiều tháng và trên diện rộng thì sẽ là biểu hiện xấu của nền kinh tế, nhất là đặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ì ạch 4,38% trong 6 tháng đầu năm.
Bích Diệp