Không nên quá lo lắng nền kinh tế giảm phát
(Dân trí) - “Giá tiêu dùng giảm liên tiếp trong 3 tháng cuối năm 2008 chỉ là từ giá cao giảm về mức bình thường. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng về giảm phát của nền kinh tế”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Năm 2008: Tiền nhiều hơn hàng hoá
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng năm 2008 diễn biến phức tạp, khác thường so với xu hướng giá tiêu cùng các năm trước.
Giá tăng cao ngay từ quý I và liên tục tăng lên trong quý II, III, nhưng 3 tháng cuối quý IV lại giảm liên tiếp (so với tháng trước, tháng 10 giảm 0,19%, tháng 11 giảm 0,76%, tháng 12 giảm 0,68%).
Nhìn chung, giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 tăng 19,89% và giá tiêu dùng bình quân năm 2008 so năm 2007 tăng 22,97%.
Với diễn biến chỉ số giá giảm tiên tiếp trong 3 tháng cuối năm như trên, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng chậm lại, nhiều lo ngại cho rằng nền kinh tế đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Khái niệm “giảm phát” là so với nền kinh tế khi đang ổn định, giá cả đang ổn định, giá cả đi xuống mới là giảm phát.
Thực tế trong 3 tháng cuối năm 2008, giá có giảm xuống nhưng là giảm so với mức tăng từ tháng 9/2007 đến 9/2008, trong đó có phần chịu tác động bởi giá dầu thô và các mặt hàng khác của thế giới giảm”.
Nói về tổng phương tiện thanh toán trong năm 2008, ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết: “Tổng phương tiện thanh toán tăng 16% trong khi GDP tăng tới 29% giá thực tế. Đây là một thành công trong kiềm chế lạm phát năm nay nhưng lại đáng xem xét trong những năm 2007 trở về trước.
Bởi, nếu như giai đoạn 2001 - 2005, tổng phiên tiện thanh toán bằng khoảng 70% GDP, năm 2000, CPI âm thì lúc đó giữa tiền và hàng chưa cân đối, tiền ít hơn hàng. Nhưng giai đoạn 2006 - 2008 thì số tổng phương diện thanh toán so với GDP vượt 100% có nghĩa tiền nhiều hơn hàng.
Tôi cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến lạm phát cao. Từ năm 2001- 2006, tốc độ tăng phương tiện thanh toán cao gấp đôi GDP theo giá thực tế, đặc biệt năm 2007, tốc độ này hơn 2,5 lần”.
Gói kích cầu đầu tư - tiêu dùng lên đến 6 tỷ USD
Một trong những nội dung mà báo giới quan tâm tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2008 của Tổng cục Thống kê ngày 31/12 là gói kích cầu đầu tư tiêu dùng mà Chính phủ đã công bố.
Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, gói kích cầu có tổng vốn lên tới 6 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD dành cho kích cầu đầu tư.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao cho nhiệm vụ xây dựng đề án và chương trình triển khai nhóm kích cầu đầu tư 1 tỷ USD. Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng những dự án, đề án thực hiện giải pháp kích cầu khác trong số tiền còn lại.
“Chúng tôi đang trình Thủ tướng theo hướng sẽ hỗ trợ đầu tư vào dự án kết cấu hạ tầng lớn, có hiệu quả đang khởi công dở và những dự án hoàn thành thủ tục đầu tư, có khả năng triển khai ngay trong năm 2009.
Một hướng nữa là sẽ đầu tư cho các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và kết cấu hạ tầng nông thôn; cũng như đầu tư nhà ở cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cho người nghèo.
Ngoài ra, trong gói giải pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng sẽ định hướng vào cơ sở hạ tầng nông thôn, xử lý các chính sách cho các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người đang gặp khó khăn, tiếp tục hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội. Đó là định hướng lớn cho giải pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng mà chúng ta tính là 6 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD kích cầu cho đầu tư.
Danh sách này sẽ được thông báo và triển khai xuống các ngành sau khi được Thủ tướng và Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Hoà nói.
Nguyễn Hiền