1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hậu Giang:

Cả làng ấm no nhờ trồng lá trầu để... xuất ngoại

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Để phục vụ thói quen ăn trầu của bà nội, bà ngoại, nhiều gia đình nông thôn ở Việt Nam trồng trầu, ít mang đi bán. Thế nhưng những năm gần đây, người dân Hậu Giang còn trồng trầu để xuất ngoại.

Về làng trầu Hậu Giang ở ấp 5 (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) những ngày này, không khí Tết vẫn còn vấn vương. Tuy nhiên, những nông dân trồng trầu ở làng này vừa ăn Tết, vừa chăm sóc vườn trầu. Nhiều hộ dân còn tất bật với công việc lá trầu, xếp lá trầu lại thành từng ốp để sớm giao cho thương lái.

Theo bà Phan Thị Sáng, hộ có hơn 1.500 nọc trầu ở ấp 5, cho biết, những ngày trước Tết, làng trầu nhộn nhịp lắm. Bà con tranh thủ hái lá trầu bán cho khách. Theo bà Sáng, khách hàng mua trầu ở khắp nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh và thậm chí ở nước ngoài. Như cái Tết vừa rồi, bà Sáng thu hoạch khoảng 2.000 ốp lá trầu (một ốp 40 lá trầu), thu về hàng chục triệu đồng ăn Tết.

Cả làng ấm no nhờ trồng lá trầu để... xuất ngoại - 1

Sau Tết người dân ở Làng trầu ấp 5, tích cực chăm bón vườn trầu để kịp hái lá bán cho thương lái, vì hiện giá lá trầu đang ở mức cao

Ông Nguyễn Văn Đời (ở ấp 5) hiện có 2.000 nọc trầu cho biết, năm nay giá trầu cao, bà con phấn khởi. Riêng gia đình ông thấy tiếc vì vườn trầu chưa "đủ tuổi" thu hoạch, chỉ mới thu hoạch hơn 1/3 vườn trầu, ước khoảng 2.000 ốp trầu.

Cũng theo ông Đời, hiện thương lái thu mua lá trầu vàng 6.000 đồng/ốp, lá trầu xanh 9.000 đồng/ốp. Với giá trầu hiện tại, sau khi trừ chi phí, người trồng trầu có thể lời hơn 10 triệu đồng/1.000 ốp trầu.

Cả làng ấm no nhờ trồng lá trầu để... xuất ngoại - 2

Nghề trồng trầu, ngoài việc tăng nguồn thu cho chủ vườn còn tạo ra việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn

Theo lý giải của những hộ dân trồng trầu, năm nay do bị ảnh hưởng của triều cường gây ngập và làm chết số lượng lớn vườn trầu của bà con. Sau khi nước rút, người dân tiến hành gầy dựng lại nhưng do dây trầu còn nhỏ nên số lượng lá trầu cung ứng cho thị trường Tết năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ. Chỉ riêng một số vườn có liếp cao không bị ngập nước thì số lượng lá thu hoạch được nhiều hơn vì dây trầu trưởng thành.

Hiện tại, toàn xã Vị Thủy có khoảng 37ha trầu, với 154 hộ dân, trong đó nơi trồng trầu nhiều nhất là ở ấp 5 (chiếm hơn phân nửa diện tích của toàn xã), còn lại được trồng rải rác ở ấp 6, ấp 7 và ấp 8.

Cả làng ấm no nhờ trồng lá trầu để... xuất ngoại - 3

Hậu Giang dự định phát triển Làng trầu trở thành điểm du lịch nông nghiệp trong thời gian tới

Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: "Hiện lá trầu được thương lái địa phương thu mua đưa đi tiêu thụ nhiều nhất ở Campuchia, Đài Loan và một số tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL. Ngoài tạo nguồn thu nhập cho người dân gắn bó với nghề, trồng trầu còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn, với nguồn thu nhập 100.000 đồng/lao động/ngày từ việc hái và xếp lá trầu.

Mặt khác, theo ông Kính, để tạo liên kết trong sản xuất và được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Trầu Vàng ở ấp 5, với 23 thành viên, diện tích 5ha.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hậu Giang đã công nhận nghề truyền thống trồng trầu cho người dân địa phương. Từ đó nâng cao tổ chức sản xuất, mở ra cơ hội để những người trồng trầu liên kết, tìm đầu ra ổn định cho cây trầu.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang còn dự tính phát triển làng trầu thành điểm du lịch nông nghiệp, thu hút du khách, góp phần giữ gìn nghề trồng trầu truyền thống đã tồn tại hàng chục năm qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm