Buồn lòng cảnh trái cây ngoại đắt khách, trái cây nội đổ đống ở vỉa hè

Trái cây trong nước dù có ngon, chất lượng và thuộc hàng cao cấp đi nữa thì người tiêu dùng vẫn có cảm giác đó là hàng rẻ tiền và bình dân. Trái cây ngoại dù giá rẻ hơn hàng Việt, nhưng được đóng gói kỹ, có nhãn mác thì nghiễm nhiên trở thành mặt hàng cao cấp.

Trái cây ngoại đắt khách

Cứ vào ngày mồng 1 hay ngày rằm trong tháng, chị Phạm Huyền Thương (ngụ quận 5, TP.HCM) đều vào các siêu thị để chọn mua trái cây về thắp nhang. Thay vì chọn trái cây trong nước tươi ngon thì lần nào chị Thương cũng chọn trái cây nhập khẩu để mua. Theo lý giải của chị, thời gian gần đây, so với giá trái cây nội thì trái cây ngoại giá cũng ngang ngửa. Một số trái cây như táo, lê thậm chí còn rẻ hơn trái cây trong nước.

“Giá vừa rẻ, màu sắc đẹp, chất lượng tốt thì dại gì mà không mua trái cây ngoại”, chị Thương nói.


 Trái cây ngoại mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt (Ảnh: PD)

 Trái cây ngoại mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt (Ảnh: PD)

Theo chị N.Hồng - chủ một cửa hàng trái cây ở chợ Cây Xoài (quận 2) cho biết, trái cây ngoại ngày càng bán chạy hơn trái cây nội do giá ngang ngửa nhau nhưng chất lượng cao hơn hẳn.

“Trái cây trong nước tôi chỉ nhập theo mùa, mùa nào trái đó. Còn lại tôi tăng lượng trái cây nhập từ Thái Lan, Mỹ, Úc… Nếu nói hàng ngoại mắc hơn hẳn hàng nội thì không đúng. Như trái bòn bon Thái chỉ cao hơn bòn bon Việt tầm 10.000 đồng/kg nhưng trái to và ngọt hơn nên người ta vẫn mua nhiều hơn. Táo Mỹ nghe thì sang nhưng một kg cũng chỉ tầm 60.000 – 70.000 đồng. Trong khi nhiều loại trái cây nội giá cũng ngang ngửa nhưng chất lượng thì hên xui”, chị Hồng nói.


 Trái cây nội đổ đống đầy đường (Ảnh: PD)

 Trái cây nội đổ đống đầy đường (Ảnh: PD)

Một số tiểu thương khác cho biết, người kinh doanh trái cây đang chuyển hướng sang hàng ngoại một phần do mẫu mã. Trong khi trái cây trong nước chỉ cần để hai, ba ngày là héo, xuống sắc, hư hỏng, lỗ vốn thì trái cây ngoại để cả tuần vẫn tươi ngon. Không những vậy, hàng ngoại trái luôn to, ngọt và chỉ cần theo cảm quan, khách hàng sẽ ưu ái hơn.

“Con cưng” của siêu thị

Người bán này nói không phải không có lý. Theo khảo sát của PV, dạo một vòng quanh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên bán bán trái cây, số lượng hàng hóa ngoại nhập chiếm ưu thế hơn hàng nội.

Lượng trái cây ngoại đang chiếm một thị phần lớn, được trưng bày ở những vị trí đẹp nhất trong các siêu thị và ở một số cửa hàng bán trái cây trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Nguyễn Tri Phương (quận 10)…


 Trái cây ngoại được bảo quản tốt và được đặt ở những vị trí đẹp nhất trong siêu thị (Ảnh: PD)

 Trái cây ngoại được bảo quản tốt và được đặt ở những vị trí đẹp nhất trong siêu thị (Ảnh: PD)

Các loại trái cây này được để ở trong phòng máy lạnh, có máy phun sương, được bảo quản ở điều kiện tốt nhất nhưng giá rất phải chăng. Đơn cử, tại siêu thị, một kg táo Mỹ đỏ chỉ có giá 45.900 đồng/kg, táo xanh New Zealand là 74.900 đồng/kg, kiwi xanh xuất xứ New Zealand là 69.900 đồng/kg, kiwi vàng là 119.900 đồng/kg, nho đen Mỹ không hạt tầm 150.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 120.000 đồng/kg, lê xanh Mỹ 120.000 đồng/ kg…

Ngoài các siêu thị đã “quen mặt” với người tiêu dùng thì hiện nay các loại siêu thị chuyên bán hàng nước ngoài tham gia vào thị trường ngày càng nhiều. Trong các siêu thị này, sản phẩm trái cây ngoại nhập được bày bán vô số.


 Táo xanh New Zealand chỉ 74.900 đồng/kg (Ảnh: PD)

 Táo xanh New Zealand chỉ 74.900 đồng/kg (Ảnh: PD)

Tại siêu thị US Market chuyên bán hàng Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), lượng khách mua trái cây ngoại tại đây khá đông. Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ thích mua trái cây ngoại tại đây bởi an tâm về chất lượng.

Ngoài siêu thị, hiện các chợ đầu mối tại TP.HCM như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, ngoài các trái cây nội địa thì lượng trái cây ngoại nhập về cũng ngày càng tăng.

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết hiện nay chợ này đang nhập một số loại trái cây ngoại như táo, lê, nho, lê, cam… có xuất xứ từ Mỹ, Nam Phi và Trung Quốc. Do nhu cầu trên thị trường nên các loại trái này được nhập về quanh năm, còn lượng hàng lớn hay nhiều thì tùy thuộc vào mùa thu hoạch trái cây nội.

Trái cây nội cao cấp vẫn “đổ đống”

Trong khi trái cây ngoại trở thành “con cưng” của các siêu thị, cửa hàng thì trái cây nội phần lớn lại chịu cảnh đổ đống đầy đường như thanh long Bình Thuận 10.000 đến 3kg, chôm chôm 15.000/2kg, ổi miền Tây 10.000/kg, cam 15.000/2kg, bơ 15.000 đồng/kg...

Thậm chí, một số loại trái cây nội dù được đánh giá chất lượng tốt, giá cao như xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, bưởi da xanh Bến Tre, sầu riêng… cũng chịu chung cảnh “dầm mưa dãi nắng” như trái cây nội khác.


 Trái cây nội giá rẻ bèo (Ảnh: PD)

 Trái cây nội giá rẻ bèo (Ảnh: PD)


Sầu riêng dù được đánh giá là trái cây đặc sản, đắt tiền, cao cấp nhưng vẫn chịu chung số phận dãi nẵng dầm mưa (Ảnh: PD)

Sầu riêng dù được đánh giá là trái cây đặc sản, đắt tiền, cao cấp nhưng vẫn chịu chung số phận "dãi nẵng dầm mưa" (Ảnh: PD)

Chị Thanh Mai (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, nếu so về độ tươi ngon thì trái cây nội vẫn hơn hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, thông tin các tiểu thương dùng thuốc kích thích, thuốc bảo quản để trái cây được tươi ngon khiến nhiều người e ngại về chất lượng.

“Không phải người mua sính ngoại mà là do họ không biết chất lượng của trái cây trong nước ra sao. Bây giờ cũng chưa có tiêu chuẩn nào để đánh giá độ an toàn của trái cây nội hơn trái cây ngoại. Nếu xét về hình thức, mẫu mã, cách bảo quản bên ngoài thì trái cây nội thua xa. Trái cây nhập về được bảo quản kỹ, được đóng gói vào các thùng giấy, có lớp giấy chống bầm dập… còn hàng trong nước thì cứ đổ đống đầy đường, nắng mưa miết thì sao mà ngon nổi”, chị Mai chia sẻ.


 Trên mỗi trái cây ngoại đều có nhãn, có thông tin, có tên loại trái cây, nơi sản xuất. Trên mỗi thùng có thông tin đầy đủ về xuất xứ, điều kiện bảo quản...(Ảnh: PD)

 Trên mỗi trái cây ngoại đều có nhãn, có thông tin, có tên loại trái cây, nơi sản xuất. Trên mỗi thùng có thông tin đầy đủ về xuất xứ, điều kiện bảo quản...(Ảnh: PD)

Thật vậy, trái cây ngoại dù là hàng Trung Quốc, được bày bán ở chợ đầu mối vẫn luôn được bảo quản ở điều kiện tốt nhất. Trên mỗi trái đều có nhãn, thông tin, tên loại trái cây, nơi sản xuất. Trên mỗi thùng cũng có thông tin đầy đủ về xuất xứ, điều kiện bảo quản...

Trong khi đó, trái cây trong nước dù ngon, dù giá cao cỡ nào vẫn được đựng trong các sọt tre, hay để trên các kệ gỗ bày bán chứ không có một lớp bảo vệ nào để tránh bầm dập, hư hỏng khi di chuyển. Và hiếm khi, trái cây nội được đóng gói vào các thùng giấy, được ghi rõ xuất xứ, cách bảo quản... như hàng ngoại.


 Chỉ một số ít trái cây nội may mắn được vào siêu thị 

 Chỉ một số ít trái cây nội may mắn được vào siêu thị 

Do đó, dù trái cây trong nước có ngon, có chất lượng và có thuộc hàng cao cấp đi nữa thì người tiêu dùng vẫn có cảm giác đó là hàng rẻ tiền và bình dân. Trái cây ngoại dù giá có rẻ hơn hàng Việt, nhưng được đóng gói kỹ, có nhãn mác thì nghiễm nhiên trở thành mặt hàng cao cấp.

Theo Phan Diệu
Một Thế giới

 

Buồn lòng cảnh trái cây ngoại đắt khách, trái cây nội đổ đống ở vỉa hè - 9