Bún ốc, riêu cua ngày Tết gần 100.000 đồng/bát vẫn đắt khách

Chán ngán với bánh chưng và đặc sản ngày Tết, nhiều người nhất định tìm ăn bát bún ốc riêu cua. Nắm được tâm lý này, nhiều quán bún ốc riêu cua đã khai xuân từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.

Đắt gấp đôi vẫn đắt hàng

Tại một số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, dù bát bún ốc giá đắt gấp rưỡi ngày thường, có cửa hàng lên tới 60.000 đồng/bát nhưng vẫn được các “thượng đế” chấp nhận.

Bún ốc, riêu cua ngày Tết gần 100.000 đồng/bát vẫn đắt khách - 1

Dù bát bún ốc giá đắt gấp rưỡi ngày thường nhưng vẫn được “thượng đế” chấp nhận

Sáng ngày mùng 3 Tết, gia đình anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vào một quán bún ốc, riêu cua quen thuộc tại Khương Trung để ăn sáng. Thay vì mức giá 30.000 đến 35.000 đồng như ngày thường, lần này chủ quán thu giá 50.000 đến 60.000 đồng, tùy thực đơn.

Tương tự gia đình anh Tuấn, trên đường đi chơi, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng gia đình ghé một cửa hàng ăn sáng tại Yên Lãng, Đống Đa. Món bún cá, bún riêu tại đây bán giá gấp đôi ngày thường, lên 80.000 đồng mỗi bát. Trong khi đó các món phở gà, bún bò, giá tăng khoảng 1,5 lần, lên 80.000 đồng.  

“Dù giá cả có tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, phần lớn mọi người cũng vui vẻ chấp nhận bởi họ đã quá chán ngán thịt thà. Tôi thấy hài lòng vì tìm mỏi mắt mới có hàng bún cá này, hơn nữa đồ ăn, gia giảm đều tươi ngon, sạch sẽ” – chị Hoa chia sẻ.

Chị Xuân - chủ quán bún ốc cho biết, năm nào cũng vậy cửa hàng mở cửa từ ngày mùng 2 Tết và bán cả ngày. Khách đến ăn chủ yếu khách quen ở khu vực lân cận nên cửa hàng luôn tấp nập từ sáng đến tối muộn.

Theo chia sẻ, một số nguyên liệu chính chủ quán chuẩn bị từ trước Tết, còn lại các loại rau đi kèm món bún riêu, ốc như tía tô, xà lách đều dậy sớm, đi chợ để mua. Do nguồn cung tại các chợ chưa nhiều nên giá cao hơn so với ngày thường, nhiều loại rau đắt gấp rưỡi gấp đôi chủ quán vẫn phải mua. 

“Tranh thủ mấy ngày Tết nhiều gia đình chưa tiện nấu ăn, trong khi phần lớn hàng quán nghỉ nên số lượng khách đông gấp 5-6 lần thường. Tuy nhiên, cũng do ngày Tết người giúp việc không có nên hầu hết người nhà phải ra phục vụ", chị Xuân cho hay.  

Nhiều quán bún ốc “tự phát” thu tiền triệu mỗi ngày

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các cửa hàng lâu năm lác đác mở cửa, trên nhiều tuyến phố xuất hiện khá nhiều quán bún ốc “tự phát” tận dụng vỉa hè các văn phòng lớn chưa làm việc làm nơi bán hàng ngày đầu năm. 

Trên đường đi lễ chùa, nhóm chị Giang dừng chân bên quán bún ốc riêu cua trên đường Xã Đàn ăn sáng. Dù chị Giang gọi một bát đầy đủ bún ốc, riêu, bò,… với mức giá 70.000 đồng/bát nhưng đồ ăn thì ít trong khi nước dùng không ngon.

“Thực sự không ngon, đói nên đành ăn tạm. Rau sống thì héo, bị úng nước”, chị Giang phàn nàn.

Cách đó vài con phố, cũng là một quán bún ốc vỉa hè trên đường Lương Ngọc Quyến nhưng lại được nhiều thực khách mách nhau trong những ngày này.

Quán chỉ mở từ khoảng 4 giờ chiều đến tối, tuy nhiên quán luôn trong tình trạng hết chỗ ngồi. 

Chị Hoàng Thu Hà cho biết tối mùng 2 Tết, vợ chồng chị cũng ra đó ăn bún giải ngấy, giá 60.000 đồng/ bát. Chị Hà khẳng định khách chấp nhận bị “chặt chém” khi đi ăn bún giải ngấy đầu năm vì trong khi người khác nghỉ Tết, du xuân thì người bán vẫn phải cả ngày tất bật phục vụ.

Song theo tiết lộ của một chủ quán bún ốc, trung bình mỗi buổi chiều (từ 4h đến 9h tối) anh bán khoảng 200 bát bún. “Mặc dù vẫn còn khá nhiều khách đến ăn nhưng hết nước dùng và khá mệt nên tôi dọn hàng” – vị chủ quán cho biết.

Như vậy, nếu bán hết 200 bát bún (giá 60.000 đồng/bát), mỗi buổi chiều chủ quán có doanh thu tới hơn 10 triệu. Do không mất tiền thuê mặt bằng, sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu, chủ quán có thể thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.

Theo Hồng Hương

Dân Việt