1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

BOT nâng cấp tuyến đường "độc đạo": Dân không còn quyền chọn lối đi

(Dân trí) - Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương thức cải tạo nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu, nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông.

Hàng loạt dự án BOT thực hiện trên tuyến đường độc đạo khiến người dân không còn lựa chọn nào khác.
Hàng loạt dự án BOT thực hiện trên tuyến đường độc đạo khiến người dân không còn lựa chọn nào khác.

Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại của các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Báo cáo chỉ ra rằng, một số quy định của pháp luật hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tế.

Đáng lưu ý, các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.

Trong khi đó, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công,... chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng.

Một số dự án BOT huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa), chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn nhưng lại được sử dụng cho vay đầu tư dài hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

"Việc lựa chọn, dự án đầu tư, thứ tự đầu tư các dự án chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương thức cải tạo nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu, nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, chính sách chưa ổn định gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, nhưng nhiều nhà đầu tư nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận đây là hình thức đầu tư mới, năng lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư cũng còn “rất nhiều hạn chế”.

Theo đó, việc đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, người dân thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường việc giám sát triển khai thực hiện các dự án BOT.

Phương Dung

BOT nâng cấp tuyến đường "độc đạo": Dân không còn quyền chọn lối đi - 2