1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bong bóng kinh tế Trung Quốc đã đến hồi nguy hiểm?

(Dân trí) - Liên tiếp những tuần gần đây, nhiều chuyên gia tài chính thế giới đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bong bóng kinh tế Trung Quốc nổ tung. Mới đây nhất, cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan cũng đã cảnh báo. Phải chăng tình hình đã đến hồi nguy hiểm?

Chuông báo động từ các chuyên gia

Phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến từ New York hôm thứ Hai vừa qua, cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan khẳng định hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể bắt đầu chứng kiến những vấn đề tương tự như tại Mỹ, bởi bong bóng đang hình thành trong nền kinh tế Trung Quốc.

Cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan
Cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan

Vị chủ tịch huyền thoại của Fed, người nắm quyền suốt từ năm 1987 đến 2006, khẳng định Trung Quốc đang dần tiến tới một hệ thống tài chính tương tự như Mỹ, và “không có gì phải nghi ngờ” việc bóng bóng đang dần nổi lên. Trong thế kỷ vừa qua, mọi bong bóng đều vỡ và các nhà đầu tư đã bị đẩy từ thái cực lạc quan sang bi quan.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, một quan chức của Fed lên tiếng về tình hình bong bóng trong nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó, hôm 8/11, chủ tịch đương nhiệm của Fed khu vực San Francisco, ông John Williams cũng đã cảnh báo về những “điểm đen” có tiềm năng gây rắc rối. Rất nhiều trong số đó có bản chất tài chính.

Theo ông Williams, tốc độ gia tăng tỉ trọng nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình so với GDP tại Trung Quốc đã tăng nhanh hơn 2 lần tốc độ này tại Mỹ giai đoạn 2002 – 2008, ngay trước khi khủng hoảng tài chính tại Mỹ nổ ra. Ông khẳng định “lịch sử cho thấy tốc độ tăng nợ nhanh như vậy luôn làm gia tăng rủi ro khủng hoảng tại các quốc gia khác”.

Trong khi đó, “sự “ngoan cố” của giá nhà đất bất chấp những nỗ lực chính sách của Trung Quốc khiến lo ngại về bong bóng đang hình thành ngày càng tăng”.

Cùng lúc đó, Trung Quốc có thể gặp rắc rối nếu cố gắng ngả theo mục tiêu phát triển một cách quá mạnh mẽ. “Ngoài rủi ro bong bóng bất động sản, còn có lo ngại khác đó là tăng trưởng kinh tế có thể sụt giảm quá nhanh và quá mạnh”, ông Williams nhận định.

“Với việc kinh tế toàn cầu thiếu động lực để kéo kinh tế Trung Quốc lên, nước này sẽ phải tìm những động lực tăng trưởng ở trong nước”. Nhưng với cấu trúc hệ thống tài chính hiện tại của nước này, đây là nhiệm vụ khó khăn.

“Lĩnh vực tài chính bị kiểm soát chặt của Trung Quốc tạo ra những rào cản mang tính hệ thống đối với việc tái cân bằng nền kinh tế”, vị chủ tịch Fed San Francisco lí giải. Ông William khẳng định “hệ thống tài chính đã bị dồn nén, khiến lãi suất ở mức thấp và hạn chế các dạng đầu tư mà người dân có thể thực hiện. Hệ thống đó cũng luôn ưu ái doanh nghiệp quốc doanh , khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn và không khuyến khích hoạt động kinh doanh”.

Ngoài 2 vị lãnh đạo của Fed nêu trên, tháng 10 vừa qua, nhà kinh tế đoạt giải Nobel kinh tế 2013 Robert Shiller trong một chuyến thăm Thâm Quyến cũng khẳng định bong bóng bất động sản tại Trung Quốc đang là vấn đề nghiêm trọng.

Theo tính toán của ông Shiller, người dân tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Thượng Hải đang phải mua nhà với giá bằng 8 – 10 lần thu nhập hàng năm, một mức cao không thể chấp nhận được. Và việc mọi người vẫn muốn mua một căn hộ hầu hết chỉ do họ kỳ vọng giá sẽ còn tăng tiếp. Canh bạc tâm lí này đang dẫn họ tới những quyết định mua bất động sản phi lí.

Bong bóng nhà đất Trung Quốc khi vỡ sẽ gây tổn thất khó lường
Bong bóng nhà đất Trung Quốc khi vỡ sẽ gây tổn thất khó lường

Bong bóng sẽ vỡ?

Theo chuyên gia kinh tế Andy Xie của Trung Quốc, bóng bóng đầu cơ sẽ vỡ khi niềm tin của nhà đầu tư sụp đổ hoặc thanh khoản trên thị trường bị sụt mạnh. Cuộc khủng hoảng ngành công nghệ thế giới, hay còn gọi là bong bóng dotcom năm 2000, chính là ví dụ cho tình huống đầu tiên. Trong khi đó cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007 thuộc dạng thứ hai, và bắt nguồn từ sự điều chỉnh tăng lãi suất của Fed năm 2005.

Thời gian qua, hệ thống tín dụng đen của Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp vốn chính cho hoạt động đầu cơ hiện tại. Gần một nửa tăng trưởng tín dụng của nước này trong năm nay có thể được xếp vào dạng này, ông Xie khẳng định.

Do vậy nguồn vốn tài trợ thường là ngắn hạn, và trò chơi đầu cơ sẽ kết thúc tùy thuộc vào niềm tin trên thị trường có được “gia hạn’ hay không, bởi các tài sản đầu tư phải mất nhiều năm mới có tính thanh khoản. Niềm tin đó phụ thuộc vào sự tin tưởng vào giá đất có còn tăng trong những năm tới hay không.

Sự tin tưởng này hiện đang mong manh bởi nó chỉ đúng ở các thành phố lớn, còn tại các thành phố nhỏ và trung bình của Trung Quốc, tất cả đều đang đối mặt với khó khăn. Chỉ cần một cú sốc tâm lí có thể gây ra sự đổ vỡ niềm tin. Và đến khi Fed thực sự cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của mình, hệ thống tín dụng đen của Trung Quốc sẽ đối diện với căng thẳng về thanh khoản.

Janet Yellen, tân chủ tịch của Fed, đã khẳng định không quan tâm tới bong bóng tài sản, và sẽ tiếp tục kích thích kinh tế chừng nào tỉ lệ thất nghiệp giảm dưới mức mục tiêu của Fed hoặc lạm phát vượt giới hạn của cơ quan này.

Dù vậy có khả năng một trong hai, thậm chí cả hai giới hạn này sẽ bị vượt qua trong năm 2014. Và rất có thể nó sẽ là dấu chấm hết cho bóng bóng bất động sản kéo dài một thập niên tại Trung Quốc. Khi đó hậu quả sẽ thật khó lường.

Khác với bong bóng tại Mỹ, vốn chủ yếu xảy ra trên thị trường chứng khoán và bất động sản dành cho người giàu và nợ của nước này không tăng mạnh, bong bóng tại Trung Quốc chủ yếu được gây ra do vay nợ để đầu cơ. Do đó khi bong bóng vỡ, sức tàn phá sẽ lớn hơn nhiều, và tầng lớp trung lưu mới là những người bị ảnh hưởng lớn nhất.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước