'Bom xịt' ngàn tỷ: Ông lớn đen đủi, dính hạn 'timing' áp Tết
Thương vụ hàng ngàn tỷ đồng được thực hiện dường như khá vội vã, không tính toán. Cú bom tấn xịt ngòi đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.
Cuối cùng vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của “ông lớn” cuối cùng trong ngũ đại gia bán vốn Nhà nước đã kết thúc. EVN Genco 3 đã chứng kiến một thất bại nặng nề, và là phiên IPO kém sức hút nhất.
Tổng cộng IPO Genco 3 chỉ bán được 7,5 triệu cổ phần, trong tổng số 267 triệu cổ phần đưa ra chào bán, tương đương 2,8%. Số tiền thu về vỏn vẹn chưa tới 185 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Theo kế hoạch, Genco 3 sẽ bán 12,8% cổ phần (267 triệu cổ phiếu) qua IPO, 36% cho nhà đầu tư chiến lược. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ lại 51%.
Như vậy, trong thời gian tới Genco 3 tiếp tục bán cho nhà đầu tư chiến lược 36% cổ phần và số lượng cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng không bán hết.
Thương vụ IPO Tập đoàn Cao Su (VRG) hôm 2/2/2018 cũng đã thất bại khá thảm hại với lượng bán chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch.
Trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến 3 vụ IPO rất thành công là: BSR, PV Oil và PV Power. Các thương vụ này thu hút được rất nhiều sự quan tâm đầu tư của NĐT nước ngoài và cổ phần bán được giá khá cao.
Vụ IPO PV Power thu về gần 7.000 tỷ đồng. Trong vụ PV Oil, ai trả giá dưới 19.200 đồng đều đi về tay trắng, giá đặt mua cao nhất 40.000 đồng/cp. Trong khi IPO Lọc Dầu Dung Quất vượt mọi mong đợi, nhà nước thu về số tiền cao hơn 60% so với dự kiến.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, thương vụ IPO Genco 3 không thành công, không có nghĩa là các nhà đầu tư thờ ơ với các doanh nghiệp lớn đang được thoái vốn, mà vấn đề là lỗi thời điểm (timing).
Theo đó, IPO diễn ra sát Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm áp lực chốt lời lên cao, trước khi thị trường chứng khoán nghỉ giao dịch kéo dài trong nhiều ngày.
Việc bán vốn ở vào thời điểm như vậy và không quảng bá rộng rãi cho nên hiệu quả thấp là điều không tránh khỏi. Nguồn cung tăng cao đúng vào lúc thị trường xấu và các cơ quan quản lý tính toán các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách trái ngược nhau.
Trong phiên cuối tuần trước, TTCK tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trước Tết và tin xấu đến từ các TTCK trên thế giớ. VN-Index có lúc giảm tới hơn 50 điểm. Tuy nhiên, vào cuối phiên, sức cầu bắt đáy tăng khá nhanh đã giúp thị trường bớt giảm điểm.
Dòng tiền ồ ạt chảy vào các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và một số cổ phiếu blue-chips đã giúp giao dịch tăng khá nhanh và VN-Index chỉ còn giảm hơn 19 điểm.
Một số công ty chứng khoán cho rằng, TTCK đã ổn định trở lại sau cú hồi vào cuối phiên cuối tuần trước. Sau vài phiên hoảng loạn, các CTCK đã phần nào xử lý xong các nghiệp vụ margin.
Các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết và triển vọng kinh tế chung vẫn khá tốt. Lượng kiều hối trong năm 2017 tăng mạnh giúp dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ 57 tỷ USD trong tuần đầu tháng 2.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2, VN-index giảm 19,31 điểm xuống 1.003,94 điểm; HNX-Index tăng 0,56 điểm lên 117,5 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 56,48 điểm. Thanh khoản đạt gần 320 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo V. Hà
VietnamNet