Boeing rút khỏi thương vụ thâu tóm hãng chế tạo máy bay của Brazil

(Dân trí) - Ngày 25/4, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi thương vụ trị giá 4,2 tỷ USD thâu tóm Embraer của Brazil - hãng chế tạo máy bay dân dụng lớn thứ 3 thế giới.

Boeing rút khỏi thương vụ thâu tóm hãng chế tạo máy bay của Brazil - 1
Một chiếc máy bay 737 MAX 8 tại cơ sở sản xuất của Boeing ở Renton, Washington, Mỹ ngày 12/3/2019. Ảnh: Reuters

Gã khổng lồ hàng không của Mỹ - Boeing cho biết đã chấm dứt thỏa thuận có trị giá 4,2 tỷ USD với hãng chế tạo máy bay dân dụng lớn thứ 3 thế giới của Brazil - Embraer.

Trước đó, Boeing và Embraer đã có kế hoạch thành lập một liên doanh trong đó Boeing sẽ nắm giữ 80% cổ phần.

Theo kế hoạch, thỏa thuận này đáng lẽ sẽ được hoàn tất trước ngày 24/4 vừa qua. Tuy nhiên, trong tuyên bố, Boeing cho biết, hãng đang thực hiện quyền rút khỏi thỏa thuận và đồng thời khẳng định Embraer “không đáp ứng một số điều kiện cần thiết” để hoàn tất thỏa thuận này.

Theo New York Times, Boeing thông báo rút khỏi thỏa thuận mua lại Embraer trong bối cảnh hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ đang bị Ủy ban châu Âu (EC) điều tra về vi phạm luật chống độc quyền trong kế hoạch liên doanh này và vụ kiện có thể khiến Boeing chịu mức tiền phạt lên đến 100 triệu USD.

EC đưa ra nhận định rằng “giao dịch này có thể loại Embraer khỏi vị trí nhà cạnh tranh toàn cầu lớn thứ 3 thế giới trong ngành chế tạo máy bay thương mại”.

Boeing rút khỏi thương vụ thâu tóm hãng chế tạo máy bay của Brazil - 2
Chiếc máy bay Tech Lion E195-E2 là niềm tự hào của hãng chế tạo máy bay Embraer. Ảnh: Jetphotos

Thỏa thuận nếu được ký kết, sẽ giúp Boeing kiểm soát cánh tay máy bay thương mại của Embraer, khiến Boeing phát triển mạnh hơn nữa trong ngành hàng không vũ trụ thương mại để cạnh tranh tốt hơn với đối thủ ở châu Âu- Airbus. Về phần mình, Airbus đã có cổ phần trong cái gọi là chương trình máy bay chở khách A220 Bombardier của Canada.

Sự sụp đổ của thỏa thuận Boeing - Embraer xảy ra khi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang gặp khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 khiến các chính phủ các nước ban hành lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế du lịch đối với công dân nước mình. Cuộc khủng hoảng đã khiến các hãng hàng không rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính chưa từng xảy ra.

Trước đó, ngày 22/4, ALAFCO đâm đơn kiện đòi Boeing 336 triệu USD vì tập đoàn này từ chối hoàn lại các khoản thanh toán tạm ứng dù đơn hàng 40 máy bay 737 MAX đã bị hủy.

Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án Chicago, Công ty Tài chính và Cho thuê máy bay ALAFCO cáo buộc Boeing đã vi phạm hợp đồng vì có hành vi chiếm giữ và không hoàn lại các khoản tiền ALAFCO đã thanh toán, mặc dù tập đoàn hàng không số 1 thế giới này không thể giao máy bay hoặc cung cấp một lịch trình giao hàng mới cho phía ALAFCO.

Hương Vũ

Theo NYT