Bóc mẽ những chiêu lừa chiếm đoạt tiền mua bán khẩu trang thời Covid-19

Đại Việt

(Dân trí) - Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp là lúc thị trường khẩu trang sôi động trở lại, cũng là thời điểm để các đối tượng xấu tung "mánh khóe", lừa đảo trên mạng.

Trên các hội, nhóm bán khẩu trang có thể dễ dàng thấy việc "bóc phốt" lừa lọc liên tục diễn ra trong những ngày qua. Số tiền bị chiếm đoạt không lớn nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho giới kinh doanh khẩu trang.

Bóc mẽ những chiêu lừa chiếm đoạt tiền mua bán khẩu trang thời Covid-19 - 1

Khẩu trang luôn là mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa dịch bệnh (Ảnh: Đ.V).

Chị Nguyễn Thùy Linh (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, chị tham gia vào nhóm mua bán khẩu trang trên facebook để tìm mua 1 thùng khẩu trang y tế. Thấy tài khoản có tên "Hoang Yen" chào giá khẩu trang chỉ 800.000 đồng/thùng 50 hộp nên chị đã tiến hành trao đổi cách thức mua bán. Tổng tiền hàng và tiền vận chuyển là 900.000 đồng.

"Họ nói với tôi chuyển khoản đặt cọc trước 200.000 đồng. Khi nhà xe vận chuyển hàng đến TPHCM thì tôi đưa thêm 700.000 đồng còn lại. Tuy nhiên, sau khi tôi chuyển tiền cọc thì tài khoản này chặn tôi và số điện thoại cũng không liên lạc được. Tôi biết mình đã bị lừa", chị Linh nói.

Theo chị Linh, chị biết việc lừa tiền cọc mua khẩu trang thường xuyên xảy ra nhưng thấy tài khoản facebook người bán đáng tin cậy và số tiền 200.000 đồng không quá lớn nên chị đã tin tưởng chuyển khoản, ai ngờ "ngậm trái đắng".

Ngoài chị Linh, không ít người mua khẩu trang cũng đã bị lừa đặt cọc 100.000 - 500.000 đồng. Một số người còn bị lừa hàng chục triệu đồng trong thời điểm khẩu trang "sốt giá".

Cũng vì buôn bán khẩu trang mà anh Đặng Văn Thắng (ngụ quận 10, TPHCM) đã mất tiền cho những kẻ lừa bịp.

Theo anh Thắng, anh rao bán khẩu trang trên mạng xã hội với giá 1,3 triệu đồng/thùng. Cách đây vài ngày, một vị khách có tên tài khoản là "Giang Trần" yêu cầu anh gửi mẫu.

Sau khi gửi mẫu khẩu trang, vị khách quyết định mua của anh Thắng 2 thùng và yêu cầu anh gửi hàng về một địa chỉ ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng vì người này đang công tác ở Nhật Bản.

"Họ nói ở bên Nhật không thể chuyển tiền về nên họ sẽ gửi tiền qua MoneyGram. Sau đó, họ gửi cho tôi đường link và yêu cầu tôi xác nhận thông tin banking để ngân hàng hoàn tất thủ tục nhận tiền. Khi tôi điền tên ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu và số điện thoại thì hơn 3 triệu đồng còn trong tài khoản ngân hàng đã bốc hơi", anh Thắng chia sẻ.

Bóc mẽ những chiêu lừa chiếm đoạt tiền mua bán khẩu trang thời Covid-19 - 2

Sau khi nhấp vào đường link "lạ" và điền thông tin cá nhân thì người dân đã bị mất tiền trong tài khoản (Ảnh: T.L).

Cũng theo anh Thắng, vào thời điểm đó, tiền trong tài khoản không còn nhiều, thiệt hại không đáng kể song đây là bài học nhớ đời của anh.

Ông Hoàng Văn Tiến, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh khẩu trang ở quận Bình Thạnh, cho biết, người bán hàng cần để ý đến những đường link lạ kiểu "na ná" các ứng dụng chuyển tiền như MoneyGram hay Western Union. Tuy nhiên, đây không phải là những đường link "xịn" của các tổ chức tín dụng.

"Khi người dân nhập thông tin tài khoản, thông tin cá nhân vào thì ngay lập tức những kẻ lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của người dân. Sau đó, chúng sẽ chuyển tiền của người dân đến các tài khoản khác ngay tức khắc", ông Tiến nói.

Bóc mẽ những chiêu lừa chiếm đoạt tiền mua bán khẩu trang thời Covid-19 - 3

Khi nhấp vào những đường link "lạ", người dân sẽ được dẫn đến một website để điền thông tin ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu. Sau khi điền những thông tin này, tiền trong tài khoản của người dân sẽ "bốc hơi" nhanh chóng (Ảnh: T.L).

Theo ông Tiến, hiện nay, nhiều người dân đang có tâm lý "ham rẻ". Những người này chỉ cần thấy tin rao 700.000 - 800.000 đồng/thùng khẩu trang thì ngay tức khắc vào hỏi mua và không để ý đến những thứ khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền 700.000 - 800.000 đồng còn chưa đủ để nhập nguyên liệu và chi phí sản xuất một thùng khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo ông Tiến, hiện nay, giá sỉ từ nhà máy thấp nhất đã 1,1 - 1,2 triệu đồng/thùng nên người dân khó có thể bán lẻ với giá dưới 1,2 triệu đồng/thùng. Trừ khi đó là khẩu trang kém chất lượng hoặc hàng "trôi nổi" từ Trung Quốc.

"Chính vì việc ham rẻ mà nhiều người đã bị mất tiền cọc, dù số tiền cọc thường không nhiều. Thế nhưng, khi những kẻ lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người thì số tiền này là không hề nhỏ", ông Tiến nêu quan điểm.

Bộ Công an đã từng cảnh báo người dân nên cẩn trọng với những đường link lạ. Trong thời gian qua, nhiều vụ "bốc hơi" hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng trong tài khoản đã xảy ra.

Theo Bộ Công an, người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ Ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức https).

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.