Bóc mẽ lan đột biến tiền tỷ
Theo giới chuyên gia, những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ xuất hiện rầm rộ thời gian qua thực chất chỉ là chiêu trò của một nhóm người.
Giao dịch ảo
Tiếp cận một người đang rao bán lan đột biến giá hàng tỷ đồng trên Facebook, chúng tôi được Lê Văn Tuyên (Lương Sơn, Hòa Bình) giới thiệu đủ loại lan đột biến. Tuyên nói rằng, đã có thâm niên chơi lan được 5 năm và đang bán mạnh những dòng như Ngọc Sơn Cước, Cờ Đỏ, Vô Thương, Vĩnh Khang, 5 cánh trắng... với giá từ vài chục triệu đến chục tỷ đồng mỗi xăng-ti-mét.
"Tùy vào túi tiền, anh có thể lựa chọn phân khúc để đầu tư. Hiện, dòng lan HO (Hiển Oanh - PV) giá mềm mà được nhiều người chọn, dưới 1 tỷ đồng là anh có thể có 2 - 3 mầm rồi. Dòng 5 ct pt (5 cánh trắng Phú Thọ) giá có hơn 300 triệu đồng/cm, còn dòng Vip như Cờ Đỏ hay Vô Thương tiền tỷ/cm, nhưng nếu biết cách chăm sóc, chắc chắn lãi đậm", Tuyên giới thiệu.
Tuyên nói rằng, vừa rồi có khách mới bỏ ra 3 tỷ đồng để chơi dòng Vip, chưa đầy 2 tháng sau đã bán được 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý đến thăm vườn lan đột biến để lựa chọn trực tiếp, Tuyên chỉ gửi ảnh cho chúng tôi và nói "vườn đang trong giai đoạn ươm cây non" rồi hẹn sẽ liên hệ lại vào hôm khác khi tổ chức được buổi tham quan.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm giao dịch lan đột biến với hàng trăm nghìn người tham gia. Các đối tượng dùng Facebook, YouTube, Tiktok để quảng cáo các video của mình. Trong các nhóm chat (nhắn tin) kín, các chủ nhóm không ngần ngại vận động thành viên viết bình luận hưởng ứng để tạo "sóng".
Anh Trần Văn Tuấn (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), chủ vườn lan với hơn 8 năm kinh nghiệm, nói rằng, lan đột biến đã có mặt trên thị trường từ lâu, nhưng phong trào chơi lan đột biến với giá tiền tỷ mới chỉ rộ lên từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo anh Tuấn, trong giới trồng lan đột biến, người có hoa đẹp, "độc", lạ thường chia sẻ lên các hội nhóm, hoặc tổ chức các buổi giao lưu nên trong giới đều biết đến.
"Người trồng lan đột biến thực sự chưa bao giờ nghĩ có giá như thế này. Thế nên, khi vừa qua, xuất hiện những giao dịch lên tới tiền tỷ 1 kie lan (1 kie bằng 1cm), tức lấy chiều dài của cây lan mà tính tiền thì quá khủng", anh Tuấn nhận xét.
Có bàn tay thao túng
Ông Nguyễn Văn Chiêu, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Tuyên Quang, cho rằng, lan đột biến trên thị trường đang được định giá tự do, phụ thuộc vào sự chấp thuận giữa người mua và người bán. Đến nay, chưa có đơn vị nào đứng ra đánh giá lan đột biến giá bao nhiêu nên đây là cơ hội béo bở cho các đối tượng lợi dụng để thổi giá trục lợi.
Theo ông Chiêu, chất lượng lan đột biến cũng không có sự đảm bảo, bởi lan muốn nở hoa thường phải mất 1 năm chăm sóc hoặc có loại ít nhất là 2-3 năm. Nếu người chơi mua phải đột biến giả, kém chất lượng hoặc nở không đúng cam kết, thì cũng đã quá muộn để đòi lại số tiền mình bỏ ra.
"Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo lan đột biến đã xảy ra như trường hợp một người dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị một số đối tượng lừa đảo mua lan đột biến với giá hơn hai tỷ đồng. Hay một chủ vườn lan thuê một căn nhà rất đẹp ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để lừa đảo bán hoa lan đột biến, sau đó cuỗm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn. Do vậy, người dân cần cảnh giác với hình thức đầu tư này", ông Chiêu nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho rằng, việc thổi giá lan đột biến hiện nay là do sự thao túng của một nhóm người trên thị trường.
Theo ông Hàm, gần đây, đời sống kinh tế - xã hội được nâng cao nên xu hướng chơi lan trở nên phổ biến hơn. Do đó, những đối tượng thổi giá nắm bắt được tâm lý của người dân, và các kẽ hở quy định pháp luật tung ra thị trường các dòng lan đột biến.
"Những clip mua bán tiền tỷ, trăm tỷ lan đột biến trên thực tế là dàn dựng. Ở đây không ai đưa tiền cho ai cả. Trước khi tổ chức một giao dịch, họ đã có những thỏa thuận ngầm với nhau. Tuy nhiên, để tạo lòng tin, họ có thể tạo ra các giao dịch thật, tức mua của những người dân có lan đột biến với giá cao, sau đó về bán tiếp. Các giao dịch này diễn ra liên tục và người mua cuối cùng sẽ là người chịu hậu quả", ông Hàm nhận định.
Theo ông Hàm, lan đột biến là một cá thể hay một dòng hoa lan bất ngờ có sự biến đổi khác biệt về kiểu dáng (màu hoa, kích thước lá, độ dài đốt thân hoặc sự sắp xếp các cánh hoa trên cành…) so với các cây cùng loại.
Trên thị trường, sở dĩ các đối tượng rao lan đột biến với giá hàng tỷ hay trăm tỷ đồng là do họ cho rằng sự đột biến đó là độc đáo, duy nhất. Càng đột biến lạ và hiếm, giá càng cao. Tuy nhiên, với trình độ hiện nay, không quá khó để tiếp tục nhân giống lan đột biến giống y kiểu dáng của dòng bố mẹ. Không ai có thể khẳng định được, mình sở hữu một cây lan đột biến độc nhất vô nhị. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến y như thế.
"Chắc chắn ở đây có sự tính toán rất kỹ của nhóm người và không loại trừ có bàn tay của người nước ngoài, công nghệ của nước ngoài trong việc tạo ra các dòng lan đột biến để mê dụ người chơi", ông Hàm nhận định.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết, theo quy định hiện nay, người dân được phép tự do trồng và giao dịch lan đột biến. Tuy nhiên, theo Luật Trồng trọt (mới được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2023), chủ cơ sở kinh doanh giống cây trồng phải đăng ký với các Sở NN&PTNT các địa phương, sau đó nộp về Cục Trồng trọt thẩm tra, mới được phép buôn bán, kinh doanh.
Theo ông Cường, việc lan đột biến giao dịch với giá tiền tỷ thời gian qua có sự bất thường, có dấu hiệu bong bóng giống như các cơn sốt về cây xanh, hay nhím từng xảy ra trước đây. Do vậy, người dân cần cảnh giác với các loại hình thức đầu tư lan đột biến hiện nay.
Theo Dương Hưng
Tiền Phong