Bộ Y tế không muốn quản lý giá thuốc
(Dân trí) - Bày tỏ trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay 11/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “mong muốn không quản lý giá thuốc”, vì như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
*Hành trình "mua áo bán vải vụn" của Hải Phát *Bùng nổ giao dịch hơn 21 triệu cổ phiếu PVX, hai sàn tăng điểm *Lợi nhuận 5 tháng: Chứng khoán vẫn tốt, cao su tăng tồn kho |
Do đó, đại biểu Cương đặt câu hỏi: “Bộ Tài chính và Bộ Y tế sẽ làm gì và phối hợp như thế nào để quản lý được giá thuốc thời gian tới”?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, giá thuốc là vấn đề rất lớn và nhạy cảm. Hiện Bộ Y tế là cơ quan tổ chức phát hồ sơ, kê khai giá thuốc, hướng dẫn đấu thầu mua thuốc... Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư liên tịch với Bộ Y tế về đấu thầu giá thuốc.
Gần đây nhất, tại phiên họp Chính phủ tháng 3 chuyên đề về pháp luật, khi Chính phủ bàn về Luật dược đã giao Bộ Y tế chủ trì về định giá thuốc, Bộ Tài chính quản lý nhà nước về giá thuốc, văn bản hướng dẫn, kiểm tra phối hợp. “Bây giờ thuốc nhạy cảm, phức tạp, chúng ta ra hàng thuốc, họ bảo bao nhiêu tiền thì trả bấy nhiêu, chỉ có y tế mới biết được thành phần thuốc, nguồn gốc thuốc”, Bộ trưởng Dũng nói.
Đề cập tới việc phối hợp giữa Bộ Tài và Bộ Y tế về quản lý giá thuốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay: “Bà con cũng như đại biểu rất lo lắng về tình hình giá thuốc bây giờ đang bất kham”.
Để làm rõ phần trách nhiệm của Bộ Y tế về việc quản lý giá thuốc, sáng nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có phần báo cáo trước Quốc hội về hai nội dung: quản lý giá thuốc và mặt bằng chung giá thuốc của Việt Nam so với các nước xung quanh.
Để làm rõ thực trạng giá thuốc Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn thống kê chỉ số lạm phát (CPI), trong đó, giá thuốc của Việt Nam luôn đứng thứ 9 trong danh mục thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2013.
“Lúc đầu tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45%, thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ 9/11 nhóm hàng. Nhóm này năm 2014 là 0,74% so chỉ số giá tiêu dùng là 0,88%. Dù là mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng chỉ đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong xếp hạng CPI”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.
Thông tin từ Bộ trưởng Tiến cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác liên ngành cùng Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban các vấn đề xã hội và các chuyên gia khảo sát 6 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở hai nước Trung Quốc và Thái Lan. Kết quả khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn Trung Quốc từ 1,5 - 2 lần và thấp hơn Thái Lan từ 2 - 3 lần.
Một dẫn chứng khác được Bộ trưởng Y tế đưa ra là Tổ chức y tế thế giới kết hợp với Viện chiến lược chính sách điều tra đánh giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá thời gian qua khi nguyên liệu đầu vào tăng… giá thuốc của Việt Nam tăng như thế nào so với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới.
“Họ đánh giá rằng, đối với thuốc nội, tốc độ tăng thấp, thuốc nhập khẩu thì tốc độ tăng ở mức trung bình. Qua đó cũng thấy rằng, giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất”, Bộ trưởng nói.
Nói về việc quản lý giá thuốc hiện nay (đang đươc giao cho 3 Bộ Tài chính, Công Thương và Y tế, các hội đồng chuyên môn đảm nhiệm), Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng: “Trong Luật Dược sửa đổi sắp tới, Bộ Y tế mong muốn không quản lý giá thuốc vì vừa sản xuất, nhập khẩu, phê chuẩn các quyết định nhập khẩu, phân phối, ghi toa, bán thuốc… mà thuốc thì người bệnh không thể mặc cả được. Đối với thị trường như vậy thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Như kết luận vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội có nói là Bộ Y tế chỉ làm công tác chuyên môn”.
Do đó, Bộ trưởng Y tế mong muốn Luật Dược sửa đổi sẽ có một đột phá phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn và tiến tới Việt Nam sản xuất, sử dụng được nhiều thuốc trong nước, hướng tới xuất khẩu một số loại thuốc. Bởi theo Bộ trưởng Tiến: “Thuốc do Việt Nam sản xuất nói chung là chất lượng tốt, giá cả phải chăng”.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành chính sách kêu gọi, khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và xây dựng đề án Những ngôi sao Việt để bình chọn những thuốc Việt đạt chất lượng cao, giá thành vừa phải. Với chính sách này, Bộ trưởng Tiến cho biết, tỷ lệ thuốc nội đã tăng lên gấp đôi, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã tăng 2 - 4%/năm.
Đề cập tới việc quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Y tế cho rằng: Chúng ta có 2 loại là thuốc chi trả theo ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế (BHYT) thì theo Luật đấu thầu và đấu thầu theo danh mục thuốc. Các tỉnh thì đấu thầu tập trung tại các Sở Y tế, còn đối với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì Bộ phân quyền cho các bệnh viện.
Ngoài ra, có một loại thuốc trên thị trường không thuộc danh sách Nhà nước chi trả, chúng ta quản lý bằng tổ liên ngành 3 Bộ (Tài chính - Công Thương - Y tế), phối hợp các tổ chức khác và các doanh nghiệp kê khai giá theo một khung giá nhất định.
“Ở các nước, họ chỉ quản lý đối với thuốc do ngân sách chi trả, như BHYT, còn thuốc ngoài thị trường thì để qui luật thị trường chi phối. Nhưng với chúng ta, kể cả thuốc ngoài thị trường chúng ta cũng vẫn quản lý theo phương thức kê giá. Với cách quản lý của Việt Nam, thuốc trong danh mục BHYT có 900 hoạt chất và hơn 11.000 loại thuốc; ngoài thị trường có khoảng 1.500 hoạt chất và 22.000 loại thuốc. “Ở các nước, với thuốc bảo hiểm thì họ chỉ quản lý 500 - 700 hoạt chất thôi. Điều này cho thấy, chúng ta quản lý khá chặt cả thuốc bảo hiểm lẫn thuốc ngoài thị trường”, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.