1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ Xây dựng kiến nghị ngừng xuất khẩu cát

(Dân trí) - Trước tình hình xuất khẩu cát ồ ạt như trong thời gian vừa qua tại ĐBSCL, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ lập quy hoạch cân đối cung - cầu với thị trường trong nước và kiến nghị tạm ngừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng từ ngày 1/11/2009.

Bộ Xây dựng kiến nghị ngừng xuất khẩu cát - 1
Tình trạng xuất khẩu cát diễn ra ồ ạt tại ĐBSCL trong thời gian qua.
 
Từ các số liệu thống kê về tiêu thụ cát xây dựng giai đoạn từ năm 2001 đến nay thì, năm 2006 tiêu thụ 73 triệu m3, năm 2007 tiêu thụ 78,3 triệu m3, năm 2008 tiêu thụ 85,5 triệu m3. Dự báo nhu cầu năm 2010 từ 93 đến 100 triệu m3, năm 2015 từ 131 đến 140 triệu m3 và năm 2020 có nhu cầu từ 182 đến 197 triệu m3.

Theo nhận định của ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu tính tổng trữ lượng cát các mỏ là hàng tỷ m3 và cộng thêm bồi lắng hàng năm khoảng từ 311 đến 415 triệu m3 thì nguồn cát xây dựng của Việt Nam không thiếu.

Tuy nhiên, do việc phân bố trữ lượng cát không đồng đều, việc mất cân đối giữa vùng tiêu thụ và vùng có cát để khai thác, chi phí lớn trong việc vận chuyển cát đi xa… nên có thể đánh giá sản lượng khai thác cát ở nước ta hiện nay mới chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng tại chỗ.

Vì vậy, cần phải có quy hoạch cân đối cung - cầu và nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng của địa phương và khối lượng cung cấp cát ở tỉnh bạn hoặc cho khu vực.

Trước tình hình việc xuất khẩu cát như hiện nay tại một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL mà báo Dân trí đã có bài phản ánh, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển và tiêu thụ, xuất khẩu cát, sỏi tại 10 tỉnh ĐBSCL.

Qua kiểm tra tình hình khai thác và tiêu thụ, đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định hoạt động khai thác đã diễn ra khá rầm rộ, đặc biệt là việc xuất khẩu cát, nhất là từ tháng 5/2009, khi Campuchia đóng cửa không cho xuất khẩu cát.

Đồng thời, trong bối cảnh nước ta chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; để bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên cát cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, cũng như theo dự báo trong thời gian sắp tới thì nhu cầu tiêu thụ cát nội địa sẽ tăng cao.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ việc lập quy hoạch cân đối cung - cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng của các địa phương và tạm ngừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng vì hiện tại còn nhiều bất cập và việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi của các địa phương chưa kiểm soát hết được.

Để quản lý và giám sát chặt chẽ tình trạng khai thác, xuất khẩu cát, sỏi xây dựng và bình ổn giá cả thị trường cát xây dựng trong khu vực, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giới hạn thời gian thực hiện các hợp đồng xuất khẩu cát, sỏi xây dựng đã ký theo Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/10/2009. Sau thời gian này, tất cả các hoạt động xuất khẩu cát, sỏi xây dựng đều phải tạm ngừng.

Được biết, Thủ tướng đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phố phải điều tra, đánh giá, cân đối cung - cầu cát xây dựng của địa phương mình đến năm 2015 và có tầm nhìn đến năm 2020, trên cơ sở đó lập quy hoạch sử dụng cát xây dựng của từng địa phương, cân đối nhu cầu sử dụng trong vùng và phải có các giải pháp, chế tài để quản lý việc khai thác, tiêu thụ cát xây dựng, dần dần xoá bỏ việc khai thác trái phép, không phép.

“Việc có tiếp tục cho xuất khẩu cát nữa hay không, Thủ tướng Chính phủ sẽ căn cứ vào kết quả cân đối và sau khi đã thực hiện các giải pháp đề ra” - ông Tới cho biết.

Lan Hương