1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ trưởng Thăng: Không lo khi nhà thầu Trung Quốc bỏ xới!

Năng lực các nhà thầu trong nước có thể đảm đương được công việc hiện nay nên không lo nếu Trung Quốc cấm DN đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam.

Dù cho rằng chưa biết thông tin chính thức về việc Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm các công ty quốc doanh tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam, song trao đổi với Đất Việt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định nếu điều này là sự thật thì cũng không có gì đáng lo ngại!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo ông Thăng, hiện năng lực các nhà thầu trong nước cũng đã cải thiện đáng kể cho nên hoàn toàn có thể chủ động được các công việc hiện nay.

 

"Nếu nhà thầu Trung Quốc bỏ Việt Nam thì cũng không có gì đáng lo", Bộ trưởng Thăng khẳng định.

 

Trước thông tin Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm các công ty quốc doanh tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từ chối đưa ra bình luận.

 

Còn ở góc độ thành viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, các nhà thầu Việt Nam cần phải tiếp tục nâng cao năng lực của mình để có thể đảm đương công việc trong mọi tình huống xảy ra.

 

"Việc chơi đẹp, công bằng và đủ năng lực là những động thái mà nhà thầu Việt nên làm để chứng minh với các nước tham gia dự đấu thầu tại Việt Nam", ông Ngân nói.

 

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng do nhà thầu TQ làm tổng thầu EPC
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng do nhà thầu TQ làm tổng thầu EPC

 

Dù cho rằng nhà thầu trong nước có đủ năng lực, song số liệu từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách chứng minh: tính đến năm 2010 có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

 

Trong khi đó, nhiều trường hợp chậm trễ, kéo dài thời gian thi công rồi yêu cầu chủ đầu tư bù giá làm đội vốn đầu tư. Ví dụ: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

 

Đáng chú ý là trong số chậm trễ đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện…

 

Bản thân Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng từng phải chỉ mặt hàng loạt các DN năng lực kém, trong đó có nhiều tên công ty của Trung Quốc bị xướng tên. Đáng nói các công ty này đều đang đảm nhiệm nhiều công trình trọng điểm tại Việt Nam.

 

Về điều này đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng nêu: "Chúng tôi cũng không hiểu vì sao có tới 90% các dự án về điện và 80% dự án lớn về giao thông các nhà thầu Trung Quốc toàn trúng thầu. Giá rẻ chăng?".

 

Theo ông Tùng: Nếu trúng thầu mà giá rẻ, làm đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm nhất ở đây trúng thầu rồi nhưng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, lại tăng giá thành lên. Đặc biệt là họ không sử dụng nhân công Việt Nam. Khi đưa vào bàn giao thì các công trình này có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc.

 

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc khi mà các dự án phải dùng tổng thầu EPC đưa ra đấu thầu thì rút cục là hấu hết các dự án rơi vào tay Trung Quốc.

 

Do vậy bà Lan cho rằng, đây nên xem là cơ hội để Việt Nam thoát Trung và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước.

 

Theo Bích Ngọc

Đất Việt
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước