Bộ trưởng Tài chính: Sắp tới sẽ đề xuất sửa Luật Chứng khoán
(Dân trí) - Tư lệnh ngành tài chính cho biết sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, tạo thị trường vốn trung, dài hạn phát triển sản xuất.
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều 28/10 về tình hình thị trường chứng khoán và trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm.
Dư nợ trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp hiện đạt 1,204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất là bất động sản với khoảng 37%.
Theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, đến năm 2030, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đạt khoảng 25% GDP.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, đồng thời tạo ra thị trường vốn trung và dài hạn phát triển sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, trong 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Sau khi các cơ quan chức năng xử lý doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực trên là một bộ phận người dân và cả doanh nghiệp bất an, điêu đứng vì trót tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trên.
Đề cập đến một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bà Tạ Thị Yên (đại biểu Quốc hội Điện Biên) cho rằng, các vụ việc đó tuy đã được phát hiện, ngăn chặn nhưng rõ ràng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế; gây lo lắng, bất an cho người dân, doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá cả bất động sản.
Bà Yên cũng cho rằng, nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu do chiến tranh xung đột, do chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thành Trung (đại biểu Quốc hội Yên Bái) đánh giá, hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.
Trước những vấn đề trên, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thành Trung kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.
Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.