Bộ trưởng Tài chính lý giải việc áp giá trần 25 nhãn sữa

(Dân trí) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam và 25 sản phẩm sữa bị áp giá trần chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Quyết định áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi giữa tuần qua được người dân ủng hộ với hi vọng giá sữa sẽ được kéo xuống mức hợp túi tiền của các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, cũng có không ít những băn khoăn về cách thức thực thi giải pháp này.

Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối qua 25/5 trên VTV1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề áp trần giá sữa, trong đó có việc công khai những sai phạm trong cách tính chi phí của các hãng sữa và đảm bảo được quyền lợi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Thưa Bộ trưởng, một học giả nhận định là trong cơ chế thị trường, việc khống chế giá trần là một biện pháp quản lý hành chính chỉ được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt. Vậy tại sao Bộ Tài chính quyết định áp dụng biện pháp này với mặt hàng sữa cho trẻ em?

Trước hết là phải căn cứ vào quy định của pháp luật xem việc áp dụng giá trần có đúng hay không? Căn cứ vào các quy định tại điều 15,16,17 và 18 của Luật Giá, trong đó có quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá.

Thứ hai là Nhà nước thực hiện bình ổn giá khi có biến động về giá một cách bất thường. Thứ ba là quy định các biện pháp bình ổn giá như là đăng ký giá, định giá cụ thể, khung giá tối đa, giá tối thiểu…để tùy từng loại hàng hóa sản phẩm và dịch vụ, và trong đó cũng quy đinh luôn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quy định áp dụng bình ổn giá, ở đây là Chính phủ thống nhất chủ trương.

Các chủ trương cụ thể theo quy định tại khoản 4, khoản 7, Điều 17 đã được Chính phủ thống nhất thông qua trong nghị quyết. Xuất phát từ diễn biến thị trường trong năm 2013, 3 tháng đầu năm 2014 và cùng các kết quả thanh tra, phát hiện ra những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thứ tư, đối với lĩnh vực kinh doanh, chúng ta quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong vấn đề này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm là trẻ em dưới 6 tuổi, mà theo thống kê của chúng tôi hiện nay chúng ta có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi.

Tại phiên họp Chính phủ, khi Bộ Tài chính báo cáo về vấn đề này thì Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân cũng tán thành ủng hộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng cam kết sẽ ủng hộ quyết định này, và vận động nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ. Và đây là một quy định đúng pháp luật, hài hòa lợi ích và rất nhân văn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xem xét đến kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ như ở Mỹ, có những bang người ta áp dụng quản lý giá theo thiết lập chi phí đầu vào, nhưng cũng có bang thì người ta quy định giá bán buôn bán lẻ. Hay ở Indonesia thì cũng quy định nhà nước can thiệp khi cần thiết, một số siêu thị cụ thể thì người ta quy định giá bán bằng giá nhập khẩu cộng 10%.

Bộ Tài chính cũng nghiên cứu thấy rằng, việc chúng ta áp dụng giá trần như thế này hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận. Đây là những căn cứ rất quan trọng để chúng tôi áp dụng những biện pháp bình ổn giá sữa theo giá trần.

Ngay sau khi Bộ Tài chính có quyết định áp trần giá sữa vào giữa tuần qua, nhiều người dân băn khoăn tại sao Bộ Tài chính lại chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa trong khi trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa?

Khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam và 25 sản phẩm sữa mà chúng tôi công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi thì bản thân nó cũng chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bước đầu, Bộ đã chọn những sản phẩm có tỷ trọng rất lớn trên thị trường, từ đó quyết định áp giá trần đối với các sản phẩm còn lại căn cứ vào các sản phẩm trên.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra phương pháp hướng dẫn giá để doanh nghiệp đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, để từng bước có biện pháp áp giá trên khung hợp lý.

Sữa là một mặt hàng rất đặc thù và việc định giá là không hề đơn giản. Chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, thay đổi một hàm lượng nhỏ về chất béo, chất đạm trong công thức sữa là giá có thể thay đổi ngay. Vậy Bộ Tài chính làm thế nào để mức giá trần do Bộ đưa ra đảm bảo được quyền lợi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp?

Theo quy định Quyết định về công bố giá trần, ngoài 25 sản phẩm, khi doanh nghiệp có thay đổi về mẫu mã, thay đổi về hàm lượng và tên gọi sản phẩm của sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, lúc này doanh nghiệp phải đăng ký, và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, để đảm bảo phương pháp so sánh và phương pháp chi phí phải phù hợp và từ đó ra giá trần cụ thể.

Vậy liệu các hãng sữa có lấy lí do là vận chuyển xa để áp cho những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mức giá trần cao hơn mức giá trần ở thành phố hay không, thưa Bộ trưởng? Và làm thế nào để Bộ Tài chính có thể giám sát việc thực hiện nghiêm giá trần này ở tất cả các vùng miền trên cả nước?

Theo quyết định, giá trần là áp dụng chung cho cả nước trên mọi địa bàn. Đối với các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng phải có những chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường, do vậy phải có những bài toán cụ thể, cùng một loại sữa thì bán ở Hà Nội giá này nhưng có thể bán ở miền núi giá khác, nhưng nằm trong khung quy định của Bộ Tài chính. Để kiểm tra, giám sát việc này thì trong quyết định trên cũng đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc phối hợp để giám sát việc này.

Một số doanh nghiệp cho rằng, “không ai dại dột cạnh tranh bằng chất lượng khi giá bán bị khống chế”. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc áp giá trần liệu có triệt tiêu các động lực nghiên cứu phát triển để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm sữa của các hãng sữa hay không?

Mỗi doanh nghiệp kinh doanh phải có chiến lược riêng, dài hạn. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp phải giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng, giá cả và thị phần. Chúng ta có cả một hệ thống để giám sát việc này, đó là hệ thống các cơ quan chính quyền địa phương huy động các lực lượng chức năng của địa phương, rồi có việc đánh giá của các bà mẹ khi cho con mình dưới 6 tuổi dùng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tất cả những vấn đề này, về lâu dài, sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, những doanh nghiệp làm ăn không có chiến lược hoặc quá sa đà vào lợi nhuận sẽ khó tồn tại và sẽ khó phát triển trên thị trường.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hiền (ghi)
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước