1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chặn giá trần: Dân buôn sữa đòi bù lỗ

Các ông bố bà mẹ trẻ khấp khởi sung sướng vì giá sữa rốt cục sẽ bị khống chế. Tuy nhiên, dân buôn sữa méo mặt lo hàng tồn, còn các hãng sản xuất và nhập khẩu thì miễn cưỡng chấp hành và yêu cầu phải đối thoại với Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp đòi đối thoại, bù lỗ

 

Trên phố Hàng Buồm - phố sữa của Hà Nội, nhiều chủ hàng tỏ ra bất ngờ trước thông tin tới đây, sẽ phải bán theo giá Nhà nước quy định.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

 

Chị Hằng, một nhân viên quản lý của một cửa hàng buôn sữa lớn tại đây lo lắng: "Chúng tôi vừa mới nhập hàng mới, đã thanh toán tới gần 1 tỷ đồng. Nếu 1 tháng nữa, bị khống chế giá bán lẻ như vậy thì cầm chắc lỗ vì hàng tồn!"

 

Chị cho hay, một cửa hàng trung bình như chị vừa bán buôn, vừa bán lẻ cho cho 4-5 hãng sữa thì có thể gặt doanh thu 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Mỗi nhãn hàng sữa thấp nhất cũng mang lại doanh thu 90 triệu đồng, lớn hơn là 200-300 triệu đồng/tháng. Doanh số này tương ứng mỗi tháng bán lẻ được 40-50 hộp sữa và bán buôn tới hơn 1.200 hộp sữa, khoảng 500-600 thùng hàng. Tuy nhiên, vì cửa hàng sẽ phải nhập gối đầu để phục vụ bán hàng liên tục nên chắc chắn, số sữa tồn còn lại với giá nhập cao là sẽ lớn."

 

Cũng với lo ngại này, chị Liên, một nhân viên cửa hang bán buôn khác xác nhận, phải mất 2 tháng mới đẩy được hết hàng cũ. Đặc thù kinh doanh của thị trường này là mua đứt bán đoạn, các đại lý đều phải thanh toán luôn khi nhận hàng, nếu có nợ thì cũng chỉ được nợ trong vòng 1-2 tuần.

 

"Bộ Tài chính nên gia hạn thêm thời gian ít nhất 1 tháng nữa để áp giá trần bán lẻ. Nếu không, doanh nghiệp lỗ, ai chịu trách nhiệm?", chị Liên nói.

 

Các ông bố bà mẹ trẻ khấp khởi sung sướng vì giá sữa rốt cục sẽ bị khống chế
Các ông bố bà mẹ trẻ khấp khởi sung sướng vì giá sữa rốt cục sẽ bị khống chế

 

Bị áp giá trần là thông tin gần như đã được biết trước đối với phía doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Đối ngoại và thương hiệu, Công ty Sữa Neslte bày tỏ: "Chúng tôi khá ngạc nhiên trước bảng giá trần của Bộ Tài chính. Trung bình, mức giá này thấp hơn từ 20-26% so với giá bán buôn hiện nay. Điều này sẽ gây bất lợi rất lớn tới hoạt động kinh doanh sắp tới. Đặc biệt, mới đây, qua các kênh thông tin báo chí, Bộ Tài chính đã nói rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp sữa là 23%. Nếu trừ đi thì sẽ ra kết quả âm".

 

"Quan trọng hơn, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không có được những sản phẩm sữa mới nhất, ưu việt nhất từ những kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm vì sản phẩm này thường có giá sẽ cao hơn. Thậm chí, một số loại sữa cao cấp sẽ biến mất vì giá trần gây lỗ", ông Tuấn nhấn mạnh.

 

"Chúng tôi hi vọng Nhà nước sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, làm rõ căn cứ áp giá trần", ông Tuấn nói.

 

Trước khi công bố áp giá trần, hãng sữa Mead Jonhson đã có văn bản gửi tới lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ xem xét khả năng đảm bảo bù đắp chi phí trong trường hợp doanh nghiệp bị lỗ khi áp dụng chính sách can thiệt giá. Hãng này dẫn lại khoản 1, Điều 20, Luật Giá.

 

Công ty sữa này cũng lưu ý rằng, thị trường sữa Việt Nam có hàng trăm sản phẩm nhãn hiệu khác nhau, có mức giá khác nhau. Mỗi hãng lại có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng nên có giá trị chất lượng khác nhau, do sự khác biệt về quy trình đầu tư, nghiên cứu phát triển, công thức đặc biệt và các thành phần bổ sung. Ví dụ như việc bổ sung axit DHA, ARA, vi sinh vật có lợi Probiotics... nên giá cả có thể chênh lệch nhau tới vài tram ngàn đồng/hộp, từ dòng bình dân đến dòng cao cấp.

 

Đây cũng chính công ty vừa qua đã thay đổi mẫu mã bao bì mới, rồi quảng cáo bổ sung thêm chất mới để tăng giá bán.

 

Kiểm soát cửa hàng bán lẻ

 

Với người dân, giá sữa bị áp trần là tin mừng được mong chờ từ nhiều tháng qua.

 

Chị Thu, một nhân viên văn phòng có con 15 tháng tuổi, chia sẻ: "Mỗi lần đi mua sữa là thấy chóng mặt vì giá tăng. Vừa hôm trước, mua sữa Enfamil khoảng 500.000 đồng, bữa nay đi mua tiếp 1 hộp nữa, đã thấy tăng giá lên tới 554.000 đồng/hộp. Nếu áp được giá trần như thế thì sữa sẽ rẻ biết bao nhiêu lần!"

 

Với người dân, giá sữa bị áp trần là tin mừng được mong chờ từ nhiều tháng qua.
Với người dân, giá sữa bị áp trần là tin mừng được mong chờ từ nhiều tháng qua.

 

Với giá trần bán buôn đã công bố, cộng thêm 15% để tính giá tối đa bán lẻ thì giá lẻ trần này vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ hiện nay. Ví dụ, sữa Dielac Pedia 1 + HT 900g có giá trần lẻ tới đây vào khoảng 319.000 đồng, thấp hơn 50.000 đồng so với giá hiện nay. Sữa Frisolac Gold 1 hộp 900g sẽ có giá trần lẻ khoảng 466.000 đồng, thấp hơn 22.000 đồng/hộp. Sữa Enfagrow A +3 vanilla 900g có giá bán lẻ cao nhất là 355.000 đồng, thấp hơn 103.000 đồng/hộp.

 

Tuy nhiên, bà mẹ trẻ tuổi này đề nghị: "Các cửa hàng bán lẻ sữa mỗi nơi một giá khác nhau. Tôi không rõ Nhà nước sẽ kiểm soát như thế nào, nhưng có lẽ, cần yêu cầu phải niêm yết giá công khai ngay trên mỗi hộp sữa, như vậy, người tiêu dùng cũng sẽ nắm rõ được cửa hàng có bán đúng giá hay không?"

 

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, "Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Hơn nữa, áp giá trần này không chỉ riêng cho 25 mặt hàng cụ thể mà tất cả các mặt hàng sữa đều phải có giá tối đa."

 

Theo Phạm Huyền

VEF
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm