Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cải cách là xác định đương đầu với lợi ích nhóm

(Dân trí) - "Chúng ta phải xác định, cải cách chính sách là đương đầu với lợi ích nhóm. Tuy nhiên, khi chứng kiến những việc chướng tai gai mắt của người dân mà cứ lờ đi là không được".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ như vậy với báo giới nhân dịp năm mới 2019. Báo Dân Trí xin chia sẻ tâm sự của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về trải nghiệm trên chiếc ghế nóng của mình.

Để có đánh giá ngắn gọn nhất về những việc làm của Chính phủ năm 2018, Bộ trưởng có thể nói gì?

- Tinh thần xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2018 là nói phải đi đôi hành động, chấn chỉnh kỷ cương, liêm chính trong chính sách cùng với sáng tạo, hiệu quả. Chính phủ ưu tiên hàng đầu hiện nay là cải cách thể chế kinh tế và năng lực thực thi chính sách; phân cấp, giám sát trách nhiệm người đứng đầu...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Năm 2018, Chính phủ lấy chất lượng tăng trưởng làm động lực phát triển mới. Tăng trưởng cao trong khi chúng ta không dựa vào khai khoáng, mở van tín dụng, ngay cả các gói kích cầu cũng không được sử dụng như trước đây. Đây là hiệu quả và thực chất của điều hành.

Tất nhiên, chúng ta vẫn còn những thành phần kém tiến bộ, cán bộ Nhà nước ngại làm và năng lực hạn chế không thể làm hơn được. Tuy nhiên, tôi tin trong thời đại mới, trong một đất nước Việt Nam mới, chỉ nơi đâu có cạnh tranh thì nơi đó mới phát triển được; không sức ép trên xuống thì không thể có kết quả và khi có sức ép, không thể không làm mà ngồi yên được.

Kiêm nhiệm nhiều việc làm, đứng trong nhiều vai, ông có cảm thấy áp lực ? Xin chia sẻ tâm sự thực của mình trong dịp đầu xuân năm mới?

- Bảo không áp lực thì không đúng, nhưng được làm việc là tốt rồi. Với quyết tâm, quyết liệt của Thủ tướng thì không Bộ trưởng nào ung dung được mà phải theo guồng máy.

Tôi xuất thân từ địa phương lên trung ương làm việc, nên tôi hiểu nếu ở địa phương, cái khó do chính sách mà kiến nghị không được sửa đổi thì họ không thể làm được. Chính vì vậy, làm được gì cho địa phương chúng tôi làm bằng được.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trăn trở nhất là tại sao nhiều việc, vấn đề của địa phương, mà địa phương không giải quyết được mà cứ dồn lên trung ương?

Tại sao chúng ta không phân cấp mạnh cho địa phương, thay vì việc lẽ ra phân cấp địa phương lại chuyển lên Bộ; thay vì việc này Bộ giải quyết thì lại đẩy lên Thủ tướng. Như thế là đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, cán bộ lại giúp ngáng một chân làm chậm quá trình cải cách.

Được biết, năm 2019, Chính phủ đưa ra chỉ thị phải thực sự "bứt phát", xin cho biết nên hiểu từ "bứt phá" ở đây là gì và chúng ta sẽ bứt phá đến đâu và ra sao?

- Kỷ cương, liêm chính, sáng tạo đó là sự bứt phá. Năm 2019 đề cập "bứt phá" là rất quan trọng, hành động nhưng phải rất mạnh mẽ, quyết liệt để làm tiền đề, cơ sở cho năm sau.

Năm 2019, Chính phủ yêu cầu phải tăng cường thanh toán điện tử và cải thiện logistics bởi với thời đại Cách mạng 4.0 nếu chúng ta không kết nối chia sẻ, không cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, không công khai minh bạch thì khó giảm tiêu cực, tham nhũng vặt được.

Lãnh đạo Đảng Nhà nước đều coi kinh tế tư nhân là quan trọng, Chính phủ đã ra nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thực tế kinh tế tư nhân vẫn khó khăn. Hiện chúng ta có 5 triệu hộ sản xuất, khuyến khích họ lên doanh nghiệp không đơn giản.

Cải cách bây giờ phải đi vào thực chất, không cơ học, ví dụ vừa qua để sản xuất một cái kẹo sô cô la phải cần 13 giấy phép của các cơ quan công quyền. Như thế "ăn một cái kẹo" cảm giác "đau hết cả răng" thì ăn làm sao? Đây là sự việc buồn cười.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách khu vực dịch vụ công hay khối doanh nghiệp Nhà nước là đánh vào quyền, lợi ích và lợi ích nhóm, ông có thể chia sẻ gì về quá trình này và có dám làm triệt để, không chùn tay trước lợi ích nhóm?

- Chúng tôi xác định, cải cách là đương đầu với lợi ích nhóm. Khi chứng kiến những việc chướng tai gai mắt của người dân mà cứ lờ đi là không được. Tôi nhận thức rằng, cơ hội của doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn, tích tắc thôi nếu chúng tôi không hỗ trợ họ thì cơ hội của họ sẽ mất đi.

Chúng tôi giúp việc cho Thủ tướng thì phải gương mẫu, còn nếu để nhân viên Văn phòng Chính phủ “đánh võng”, “quăng quật” kiến nghị thì gọi gì đi đầu cải cách.

Đích thân tôi đã thay vị trí, tước bỏ quyền điều hành của mấy Vụ phó kiêm nhiệm của Văn phòng Chính phủ khi họ không làm được việc dù trước đó đã cùng ngồi lại, tháo gỡ.

Người ta bảo thay đổi này thay đổi kia, nhưng tôi cho rằng thay "mỗi thằng người" là hiệu quả nhất vì người mới sẽ trách nhiệm hơn.

Mặc dù có nhiều chính sách, hành động quyết liệt nhưng năm 2018, Báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới vẫn hạ một bậc chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam so với năm 2017, Chính phủ nhìn nhận gì về đánh giá này và có hành động cải thiện trong thời gian tới?

- Mặc dù chúng ta tăng điểm, giữ hạng song những cải cách, cải thiện của các nước trong khu vực đi nhanh hơn. Chúng ta có cải thiện so với chúng ta nhưng không bằng các nước; bước đi của các nước đã dài hơn chúng ta.

Sau đánh giá Doing Business 2018, của Ngân hàng Thế giới công bố, Thủ tướng rất suy nghĩ. Ngày 11/12 vừa rồi, Văn phòng Chính phủ, cùng với các Bộ, ngành liên quan đã đối thoại trực tuyến với Ngân hàng Thế giới tại Mỹ để tìm hiểu tại sao họ đánh giá như vậy? Các Bộ, ban ngành cùng phải dự để đưa ra đánh giá rất kỹ về việc làm của mình.

Hành động đầu tiên là thay đổi Nghị quyết 19/2019 (Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh). Thay vì đợi theo tuần tự thủ tục đúng tháng 5/2019 mới ban hành, nhưng Chính phủ thay đổi ra cả tên và thời hạn ban hành. Tên được thay đổi là Nghị quyết 02 và ban hành luôn vào ngày 1/1/2019 cùng với Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế xã hội năm 2019.

Nếu năm 2019, Nghị quyết 19 vẫn được ra đời theo cách cũ (vào tháng 5) vậy đầu năm chúng ta cải cách cái gì? Hóa ra cải cách theo Nghị quyết chỉ làm mấy tháng cuối năm thôi à?

Chính sách phải có hiệu quả thực tế, thực chất chứ không thể làm tuần tự, theo bài được nữa, đây là điều mà doanh nghiệp, người dân cần.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cải cách là xác định đương đầu với lợi ích nhóm - 2