Sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần:

Bộ trưởng "lấy đá tự ghè chân" và lời hứa cho niềm tin cải cách

(Dân trí) - Sự kiện kinh tế nổi bật, được báo chí nhắc đến nhiều nhất chính là Bộ Công Thương, vốn được mệnh danh là "siêu bộ" quản lý nhiều ngành nghề, loại hình kinh doanh đã đặt quyết tâm xoá bỏ rào cản, triệt tiêu thủ tục bằng cách ra quyết tâm xoá bỏ 675 điều kiện kinh doanh (chiếm 55%) trên tổng số các điều kiện kinh doanh của bộ này.

Một trong các thành trì về điều kiện kinh doanh (ĐKKD" đã "rung chuông", báo động về sự đổi thay đến dư luận, có người khen, kẻ chê và đặt nghi vấn, song niềm tin vào một động thái tích cực đã và đang dần được nhen nhóm.

Khi Bộ trưởng muốn "đổi thay"

Trải qua gần 2 năm nhận nhiệm sở, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương được đánh giá là người làm được nhiều việc. Như lời của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Chỉ chưa đầy 2 năm Bộ trưởng mới đã làm được nhiều việc như, bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong ngành dệt may; bỏ quy định dán nhãn và khai báo năng lượng, bỏ quy định về thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Đây là những thứ trước kia nói quá nhiều, đến nỗi người ta cho rằng đó là những thứ chán không thèm nói, thất vọng vô vọng thì nay đã thay đổi. Rõ ràng đây là hiện tượng tốt, có cơ sở, lạc quan và DN nên đặt niềm tin.

Ngay động thái và quyết tâm của Bộ trưởng Tuấn Anh, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời khen đối với quyết tâm cải cách của một bộ từng được xem là "cái nôi" sinh ra nhiều ĐKKD và nhiều thủ tục cản trở DN phát triển.

Đăng đàn trả lời báo giới ngay sau quyết tâm cải cách, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây không phải cuộc phưu liêu chính trị, mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Đầu tiên tôi thấy sửng sốt và sau đó thấy quyết tâm của Bộ". Còn ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cảm thấy hài lòng và cho biết: tiếng súng cải cách của Bộ Công Thương sẽ đặt áp lực rất lớn cho các bộ, ngành khác.

Chính sách lạt mềm buộc chặt 12 đại dự án thua lỗ

Trong tuần, thông tin về cơ chế giám sát, xử lý các đại dự án, doanh nghiệp thua lỗ cũng được dư luận quan tâm. Hiện trạng của các DN đầu tàu nợ nghìn tỷ đồng thuộc ngành công thương đã và đang là nỗi lo của Chính phủ, trong tuần Bộ Công Thương cũng đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình của một số dự án đang gánh núi nợ.

Về cơ chế xử lý, giám sát các đại dự án thua lỗ, tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định:"Dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải làm".

Bộ Công Thương hứa hẹn các giải pháp cứu giúp các đại dự án thua lỗ
Bộ Công Thương hứa hẹn các giải pháp cứu giúp các đại dự án thua lỗ

"Chúng ta phải tự cứu mình trước khi có sự phối hợp của các bộ, ngành; trước khi Thủ tướng phê duyệt phương án cuối cùng. Chúng ta thực hiện bằng trách nhiệm của mình với những việc làm cụ thể chứ không phải chỉ lo báo cáo bằng văn bản", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Nợ Chính phủ tăng nhanh

Trong tuần thông tin cập nhật về số nợ của Chính phủ được người dân quan tâm, bản tin của Bộ Tài chính công bố về số nợ của Chính phủ có xu hướng tăng liên tục trong những năm qua. Tính đến năm 2015, dư nợ lên tới 94,3 tỷ USD, tăng 2 lần từ mức 52,5 tỷ USD vào năm 2011. Dư nợ Chính phủ so với GDP tăng lên 49,2% vào năm 2015.

Theo Bộ Tài chính, số nợ nói trên thuộc về nợ Chính phủ vay trực tiếp, nợ bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp Nhà nước và nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với các địa phương.

Bộ trưởng mời, Hiệp hội Dược "run" không dám dự

Tổng cục Thuế mới đây đã chỉ đạo các Cục thuế địa phương tăng cường giám sát về cơ chế thuế đối với các DN có ý đồ chuyển giá, DN đang làm ăn phát đạt nhưng thua lỗ một cách bất hợp lý để trốn trách trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ngoại đột nhiên thua lỗ sẽ nằm trong sự giám sát đặc biệt của cơ quan thuế
Các doanh nghiệp ngoại đột nhiên thua lỗ sẽ nằm trong sự giám sát đặc biệt của cơ quan thuế

Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương: “Lưu ý rà soát và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kê khai thua lỗ bất hợp lý, tập trung chủ yếu vào một số ngành như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất kim loại...”.

Trong buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm điểm các trách nhiệm của Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến những nổi cộm gần đây.

Kiểm điểm về trách nhiệm đối với nhiều vụ việc liên quan đến quản lý, nhập khẩu và phân phối thuốc hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã tỏ ra không hài lòng khi đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam không có mặt.

Trong khi đề cập đến những ý kiến khác nhau từ các hiệp hội, ngành hàng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Tôi rất trách Hiệp hội Dược. Gọi điện, gửi giấy mời nhưng “run” không dám dự”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Thôi thì đừng đại diện cho các doanh nghiệp Dược nữa. Sinh ra một hiệp hội mà không có giá trị gì”.

Trong tuần, liên quan đến các vấn đề về thực phẩm, có hai sự kiện đáng chú ý là Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định cấm bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi. Theo quy định, những hành vi được coi là vi phạm trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh và buôn bán rượu là: trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật. Rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Không được tạo lãnh địa riêng của đặc khu

Trong tuần qua, sự kiện gây chú ý dư luận là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra tham vấn chuyên gia, học giả và bộ, ban ngành về các cơ chế xây dựng đặc khu kinh tế trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sắp trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị soạn thảo: Việc xây dựng các đặc khu là điều kiện tất yếu để xây dựng các trung tâm, vùng động lực cho tăng trưởng. Các nước trên thế giới đã làm đặc khu, và đã đi vào phát triển từ hàng chục năm trước.


Không được để đặc khu thành lãnh địa riêng, đây là lời khuyên của các chuyên gia, luật sư.

Không được để đặc khu thành lãnh địa riêng, đây là lời khuyên của các chuyên gia, luật sư.

Việt Nam có lợi thế, nếu chúng ta không quyết tâm làm sẽ bỏ lỡ cơ hội và không thực hiện được mang tính lịch sử. Chia sẻ nhiều quan điểm xung quanh về đặc khu, nhiều chuyên gia, luật sư kiến nghị cần tăng cường giám sát và có cơ chế quản lý những nhà đầu tư lớn nhằm chống tư tưởng cát cứ lãnh địa, quyền lực, từ đó quản lý tốt các dự án, tạo công bằng, bình đẳng.

Trong tuần, thông tin về hơn 72 dự án của các bộ, ngành và địa phương báo về Bộ KH&ĐT đã và đang sử dụng vốn 42.700 tỷ đồng không hiệu quả đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương khi để xảy ra các đại dự án đứng trên bờ vực phá sản.

Trong số các bộ, ngành có dự án kém hiệu quả, vốn đầu tư dàn trải, Bộ Giao thông - Vận tải được xem là nơi có nhiều "con cưng" yếu kém nhất. Cụ thể Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là những DN có nhiều dự án của công ty mẹ và cả các công ty con thua lỗ, kém hiệu quả với giá trị dự án hàng nghìn tỷ đồng.

Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)