Cải cách "lịch sử", Bộ trưởng Công Thương khẳng định không phải "phiêu lưu chính trị"

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh với số lượng lớn lên tới hơn 50% không phải là "quyết định qua một đêm mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ, đồng bộ với nhiều giải pháp khác bao gồm tái cơ cấu bộ máy".


Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đánh giá cao việc cắt giảm mạnh số lượng điều kiện, giấy phép kinh doanh của ngành công thương

Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đánh giá cao việc cắt giảm mạnh số lượng điều kiện, giấy phép kinh doanh của ngành công thương

Sáng nay (22/9), Tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc tại Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.

Chính phủ đánh giá cao, Thủ tướng chuyển lời khen

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ông đã ký ban hành Quyết định số 3610a về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

"Để đạt được kết quả này, không phải là do bắt buộc mà là quan điểm, tự nguyện và tự giác tổ chức thực hiện trong Bộ Công Thương. Đây là quá trình không đơn giản, nhưng lãnh đạo Bộ quyết tâm thực hiện, hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân", người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh.

Đánh giá về quyết định được Bộ Công Thương gọi là "mang tính lịch sử" này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là động thái tích cực và là tấm gương cho các bộ ngành khác.

"Thủ tướng chuyển lời khen Bộ Công Thương ba vấn đề lớn, trong đó đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc trực tiếp chỉ đạo sắp xếp bộ máy mới. Đây là bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tinh giản, nhờ đó giảm năm đầu mối, là nỗ lực lớn của Bộ”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không thể bỏ qua kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không vì lí do đó mà trói buộc, gây khó cho doanh nghiệp.

"Một năm tiêu tốn 30 triệu ngày công, tốn 14.300 tỷ đồng. Hiện các danh mục kiểm tra rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, rất nhỏ so với số hàng hóa kiểm tra. Chúng ta không thể buông lỏng quản lý nhà nước nhưng phải xem xét thực tế để tháo gỡ khó khăn cho DN, năm nay Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Về kiểm tra chuyên ngành, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ cũng cho rằng, mặc dù Bộ Công Thương rất tích cực, cắt giảm 55,5% điều kiện kinh doanh, nhưng Bộ cũng cần lưu ý về trường hợp một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, cần sửa theo hướng một mặt hàng bị điều chỉnh ít văn bản nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ngoài ra, có tình trạng kiểm tra thủ tục chuyên ngành, nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn, phải kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt, do đó đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn.

Sau cắt giảm vẫn phải tiếp tục rà soát

Phát biểu tại buổi làm việc, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên cho biết: "Bộ Công Thương đã có hướng đi mạnh để cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như thủ tục, đầu tiên tôi thấy sửng sốt và sau đó thấy quyết tâm của Bộ. Điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương nhiều nhất, trước đó chúng tôi đã nghĩ sẽ phải đề xuất phương án cắt giảm nhưng không nghĩ tới phương án cắt tới 50%. Thực sự tôi thấy cảm phục về làm việc”.

Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên cho rằng, ông vẫn có một chút băn khoăn hoài nghi trong một số vấn đề.

"Không phải đi cào cấu nhau ra mà kiểm điểm mà phát hiện vấn đề mà là để tháo gỡ cho donah nghiệp, đảm bảo quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi hoài nghi rằng, có khi nào bỏ một lần quá nhiều điều kiện kinh doanh mà sau đó khiến bộ máy làm việc họ chán vì tiền bạc bớt đi, rồi buông lỏng quản lý?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Thừa nhận, việc cắt giảm thủ tục để giảm chi phí cho doanh nghiệp là hướng đi đúng nhưng ông Thiên cũng cho rằng, điều này hàm ý chất lượng chung của từng điều khoản là “có vấn đề”.

“Thủ tục đi cùng chi phí của doanh nghiệp , gỡ về thủ tục đúng rồi nhưng cắt một phát đến 55% có nghĩa là hệ thống điều kiện kinh doanh của ta hiện đang quá bất hợp lý, soi kĩ là cắt gần hết. Do đó, tôi thấy cần phải lo chất lượng tổng thể, nó hàm nghĩa là chất lượng chung của từng điều khoản là có vấn đề”, ông nhấn mạnh.

Theo đó, ông Thiên cho rằng, cần đặt ra tình thế phải rà lại, kể cả chất lượng của những điều kiện kinh doanh được giữ lại.

"Không có nghĩa 500 điều còn lại toàn tốt, phải rà lại, không tin đc 500 anh còn lại là thiên thần đâu. Chất lượng vẫn cứ đáng ngờ như bình thường”, ông nói thêm.

Ngoài ra, ông Thiên cũng cho rằng, khi bỏ nhiều thủ tục thì cần phải thay đổi cả về bộ máy thực thi thủ tục đó.

“Khi đặt vấn đề cải cách thì bộ máy phải chuyển động theo, bỏ thế này thì bộ máy và nhân sự sẽ như thế nào, cũng là đà phải làm luôn. Bỏ thủ tục mà lương vẫn ăn tốn như thế là không được. Hoặc là cần phải bớt đi để tăng lương cho phần còn lại”, ông Thiên nói.

Phản hồi về những thông tin này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh với số lượng lớn như trên không phải là quyết định qua một đêm mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ, đồng bộ với nhiều giải pháp khác bao gồm tái cơ cấu bộ máy.

"Đây không phải phiêu lưu chính trị mà đây là một định hướng rõ ràng, gắn với hiệu quả quản lý nhà nước. Nếu không bỏ điều kiện không cần thiết thì chúng tôi cũng đổi mới, đây là tổng hợp chung lại chứ không phải cố đạt con số nào đó để gây ấn tượng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.

Phương Dung