1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Cắt phăng” 675 điều kiện kinh doanh: “Bộ Công Thương hy sinh chưa từng có”

(Dân trí) - Trước động thái cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - người đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cản trở doanh nghiệp (DN) - bày tỏ vui mừng khẳng định, phải có sự hy sinh, quyết tâm lắm, Bộ Công Thương mới làm được như vậy.

Theo TS Cung, đây được xem là quyết định lịch sử bởi từ trước đến nay khi cắt giảm ĐKKD cũng đều xuất phát từ các cuộc thảo luận, tranh luận từ bên ngoài. Việc Bộ Công Thương chủ động "lấy đá ghè chân mình" cho thấy một tư duy quản lý mới đã và đang hình thành.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao động thái của Bộ Công Thương
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao động thái của Bộ Công Thương

TS Nguyễn Đình Cung đã có cuộc trao đổi ngắn với báo Dân Trí xung quanh quyết định cắt giảm ĐKKD của Bộ Công Thương và những nghi ngại của dư luận về quyết định chưa từng có trên.

Tự lấy đá ghè chân mình, tín hiệu "chưa từng có"

Thưa ông, là một người chỉ ra nhiều rào cản tại các ĐKKD của các bộ, ban ngành, ông có bình luận gì về quyết định này của Bộ trưởng Bộ Công Thương?

- Tôi khẳng định đây là tín hiệu rất mới, chưa từng có khi một bộ tự cắt giảm ĐKKD. Trước đây, ngay cả đề xuất bãi bỏ một vài cái thì cũng phải thảo luận, áp đặt hay tạo áp lực rất lớn để thuyết phục bãi bỏ.

Tín hiệu đáng mừng này cho thấy cải cách đi từ chính tư duy của các bộ và khiến chúng ta nhìn ra con đường thấy được tăng trưởng sắp tới, khơi lại niềm tin của DN. Tôi khẳng định, đây là hiện tượng mới nên cổ vũ, nhân rộng.

Bản thân các ĐKKD là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích cho các Bộ. Việc tuyên bố cắt giảm này sẽ động chạm nhiều, trong quá trình thực hiện chắc sẽ có nhiều cản trở, sẽ có những khó khăn?

- Cải cách này phải vượt lên chính mình, chứ không phải là cân nhắc tôi bỏ đi sẽ mất cái này, được cái kia. Muốn cải cách như này, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích, bước lên một bước cao hơn, thúc đẩy cho phát triển chung. Phải thay đổi chính mình, đầu tiên là tư duy và có thái độ mới.

Đây có thể xem là tấm gương, “noi theo” cho ai đó nếu muốn làm, nhưng cũng có thể là “áp lực” cho ai đó nếu như họ chần chừ, tính toán. Người ta sẽ đặt câu hỏi "ông này" - (Bộ Công Thương) làm được, tại sao bộ kia không làm được?

Đề xuất mới chỉ ở Thông tư, các ĐKKD lại nằm ở nhiều Nghị định, nơi do bộ soạn thảo, đề xuất Chính phủ ký ban hành, người ta đặt ra nghi ngờ về quá trình hiện thực hoá sẽ bị kéo dài lê thê, vô tận, ông nghĩ sao?

- Bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, bước sau này chỉ là thủ tục, khi Bộ trưởng có quyết định ký một văn bản công bố thanh thiên bạch nhật như vậy, thì các bước sau cũng dễ làm thôi.

Mặc dù các điều kiện kinh doanh nằm tại Nghị định, nhưng pháp luật cho phép chúng ta có thể ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi tất cả các Nghị định có liên quan (theo kiểu 1 luật sửa nhiều luật).

Các Nghị định thay thế hoàn toàn có thể thực hiện bằng hình thức rút gọn, trong thời gian 3 tháng, từ khi có quyết định đến khi được thông qua. Nếu khẩn trương, có thể đến cuối năm nay chúng ta có Nghị định điều chỉnh có hiệu lực.

Nếu xây dựng thành dự thảo Nghị định thì cũng chỉ mất 1 - 2 tuần, nếu thực sự làm khẩn trương. Có lẽ Bộ Công Thương không có lý do gì mà tuyên bố như vậy rồi mà trong khi chúng ta kéo dài 1 dự thảo Nghị định.

Nội dung và mục đích cắt giảm ĐKKD rất rõ ràng, không còn bàn cãi nhiều nên việc đưa ra nhiều ý kiến khác nhau là rất ít, do đó tính thực tế rất cao và có thể nhanh thông qua.

Điều kiện kinh doanh có tái mọc?

Trước đây, cứ cắt giảm một ĐKKD, ở nơi khác hoặc quy định khác lại "mọc thêm" cài cắm thêm ĐKKD tương tự. Quyết định của Bộ Công Thương có cơ sở nào để đảm bảo các ĐKKD "không tái mọc"?

- Tái mọc hay không là ở tư duy, nếu tư duy mang nặng tiền kiểm, sở hữu, kiểm soát và kìm nén, chỉ cho DN làm trong phạm vi quản được thì chắc chắn mọc ngay, mọc nhiều. Còn thay vào đó là tư duy điều tiết, thúc đẩy hỗ trợ, thay vì kiểm soát đầu vào thì tái mọc sẽ ít đi, thậm chí không còn.

Bộ trưởng có tư duy như thế sẽ không cho phép "đẻ" ra cách thức quản lý ngược lại. Bây giờ là làm sao để chuyển tải cách thức đổi mới của Bộ Công Thương sang các bộ khác. Tôi thấy, nhiều Bộ trưởng có tư tưởng cải cách, muốn tháo gỡ, nhưng cấp vụ, cục ở dưới cứ chần chừ, nên Bộ trưởng không có cách nào làm được.

Lâu nay nhiều cơ quan Nhà nước thích tiền kiểm bởi vì người dân, doanh nghiệp phải đến xin, quỵ luỵ, ta cầm tờ giấy tiền kiểm tưởng yên tâm nhưng lại không hiệu quả, nảy sinh cơ chế xin cho.

Thời gian qua, ngay cả Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ, khi xuống địa phương hiêu quả thực thi còn hạn chế. Nếu những quyết định này không đươc thực thi tốt, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín của hệ thống?

- Lâu nay ở bên trên quy định chả cụ thể gì, khiến cho cấp dưới hiểu thế nào cũng được và họ chọn cách nào dễ dàng, có lợi nhất để làm, ít rủi do cho họ, mang lại nhiều lợi ích.

Tôi không trách nhiều ở địa phương, mà trách nhiệm, lỗi phần nhiều ở trung ương khi chúng ta chưa thể chế hoá các quyết sách quan trọng buộc họ phải làm.

Sẽ ra sao nếu Bộ Công Thương chỉ muốn cắt bớt “râu ria”?

Bản thân DN vẫn chưa tin lắm khi đùng 1 cái họ thấy một Bộ có nhiều quy định 'cấm, cản" tự do kinh doanh lại cắt giảm số lượng lớn. Nhiều người hoài nghi về năng lực bộ máy, cá nhân người thực hiện, ông có chia sẻ băn khoăn này của DN?

- Tôi nghĩ ngành Công Thương có lịch sử lâu đời, quản lý nhiều ngành, lĩnh vực và DN do đó trong tư duy cũ quản, kiểm họ đã đưa ra nhiều quy định rào cản kinh doanh. Tuy nhiên, cần đánh giá công bằng khi chỉ chưa đầy 2 năm Bộ trưởng mới đã làm được nhiều việc như: Bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong ngành dệt may; bỏ quy định dán nhãn và khai báo năng lượng, bỏ quy định về thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo....

Đây là những thứ trước kia nói quá nhiều, đến nỗi người ta cho rằng đó là những thứ chán không thèm nói, thất vọng vô vọng thì nay đã thay đổi. Rõ ràng đây là hiện tượng tốt, có cơ sở, lạc quan và DN nên đặt niềm tin.

Tôi nghĩ trong Bộ Công Thương trong thời gian qua có lẽ phải đấu tranh nội bộ không phải dễ dàng gì để loại bỏ quyền anh, quyền tôi, loại bỏ tư tưởng được gì, mất gì khi tháo bỏ các ĐKKD,

Mặc dù thay đổi 675 ĐKKD, có nhiều người cho rằng chỉ bỏ những cái bé xíu, "râu ria" nhưng tôi thấy nhiều quy định chỉ "râu ria" tưởng vô hại nhưng lại tác hại vô cùng. Tôi vẫn tin rằng, giả sử nếu trong 100% cái thay đổi, có 50% là râu ria thì cũng là thành công rồi.

Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)