Hơn 42.700 tỷ đồng tiền Nhà nước có dấu hiệu đầu tư "không hiệu quả"

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 25/8/2017, theo yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương đã gửi báo cáo về tình hình hoạt động, đầu tư của các doanh nghiệp (DN) có vốn Nhà nước do mình quản lý. Sơ bộ cả nước hiện có trên có 72 dự án có tổng mức đầu tư 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Đây là thông tin được đưa ra trong "Báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước" mà Bộ KH&ĐT dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu được giao.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong hơn 72 dự án trên, có 43 dự án của các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 Dự án thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước có tổng mức đầu tư 42.744 tỷ đồng. Đây là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Tổng Công ty Hàng hài Việt Nam (Vinalines) thuộc nhóm các doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (ảnh minh hoạ)
Tổng Công ty Hàng hài Việt Nam (Vinalines) thuộc nhóm các doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (ảnh minh hoạ)

Theo Bộ KH&ĐT, ngoài tổng số 72 dự án có dấu hiệu không hiệu quả trên, có gần 100 dự án đang ở trong diện cảnh báo cao về khả năng đầu tư kém hiệu quả như 15 dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 22.536 tỷ đồng, tăng 2,03 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Có 25 dự án có doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. 29 dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư.

20 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành. 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại DN do các bộ ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực: Bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi); nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy. Ngoài ra có một số dự án đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư:

Trong các địa phương có dự án kém hiệu quả và thuộc diện cảnh báo cao được điểm danh có tỉnh Điện Biên. Trong giai đoạn 2000-2009, tỉnh này có 01 dự án do Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Điện Biên đầu tư. Tính đến 2015, dự án đã lỗ 8,169 tỷ đồng. Đến 30/10/2015, dự án đã được bán đấu giá thu về 6,75 tỷ đồng.

Các tỉnh như Đồng Nai có 03 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả thuộc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai.

Tỉnh Hà Tĩnh có 01 dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ (tổng mức đầu tư được phê duyệt là 16,318 tỷ đồng, dự án đã dừng thực hiện từ năm 2014).

Tại TP. Hải Phòng, theo báo cáo của địa phương này, toàn tỉnh có 04 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả bao gồm 03 dự án đang sản xuất, vận hành và 01 dự án dừng hoạt động đều của Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng (tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 110 tỷ đồng).

Quảng Ninh có 02 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tỉnh Tiền Giang có 02 dự án kém hiệu quả; tỉnh Vĩnh Long có 01 dự án; tỉnh Đắk Nông có 05 dự án...

Các tiêu chí đánh giá dự án không hiệu quả của Bộ KH&ĐT là: Dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư; dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành.

Dự án có chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi); thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch. Cuối cùng là giá thành sản phẩm thực tế cao hơn giá thành sản phẩm theo tính toán khi thiết kế dự án.

Nguyễn Tuyền