Bộ Công Thương thanh tra thêm 3 dự án yếu kém, thua lỗ ngàn tỷ
(Dân trí) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành các Quyết định thanh tra tại 3 dự án yếu kém của ngành.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về giao Bộ Công Thương tiến hành thanh tra toàn diện 4 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng; Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành các quyết định thanh tra tại 3 dự án là: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và có Kết luận thanh tra một số dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương tại một số dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra và có Kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Lịch sử "đặc biệt" của Nhà máy đóng tàu Dung Quất
Trong số các dự án thuộc diện thanh tra lần này, Nhà máy đóng tàu Dung Quất có “lịch sử” khá đặc biệt. Đây là nhà máy từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản. Dự án được Vinashin thành lập từ 2006.
Theo báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao về PVN (30/6/2010), Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) có lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của nhà máy này là 1.990 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỷ đồng. Công ty còn khoản lỗ luỹ kế hơn 3.674 tỷ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ tháng 1/7/2010 đến ngày 30/6/2016 là 2.439 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết, đối với Công ty TNHH Một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), PVN đã gửi công văn cho các đơn vị trong ngành tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ sử dụng dịch vụ của DQS nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, tạo công ăn việc làm, ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên của công ty.
Đạm Lào Cai - dự án tai tiếng của Vinachem
Dự án thứ hai thuộc diện thanh tra là Nhà máy Đạm Lào Cai - một trong những dự án nhà máy phân đạm tai tiếng của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), trước đó từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai phạm như: điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng; Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn một số tồn tại dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự phòng. Chính điều này đã làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.
Cơ quan thanh tra đánh giá, việc quản lý chuyên gia nước ngoài của Công ty cổ phần DAP số 2 còn tồn tại: Chủ đầu tư không quản lý chuyên gia nước ngoài theo điều khoản trong hợp đồng thuê tư vấn về thời gian làm việc, khối lượng và tiến độ thực hiện công việc. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nhà máy DAP số 2 đã sử dụng chi phí quản lý dự án vượt hơn 25,7 tỷ đồng.
Kết luận cũng chỉ ra việc Công ty cổ phần DAP số 2 có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu tại gói thầu EPC. Đơn vị này cũng không tính đúng tỷ trọng thanh toán của các thành phần chi phí như thiết kế/kỹ thuật/bản quyền, mua sắm, xây dựng dẫn đến thanh toán vượt gần 47.000 USD. Việc nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng quét nhựa đường chống thấm, thanh toán sai giá ghi thuộc hạng mục đường sắt làm sai tăng hơn 235 triệu đồng.
Nhà máy bột giấy "chưa từng có"
Dự án cuối cùng là nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An là dự án được phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Gần 10 năm triển khai và "rót" vào gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, công trình ngàn tỷ đang được xây dựng phương án thanh lý và phương án trả khối nợ "khổng lồ”.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến "thảm cảnh" của nhà máy này, Bộ Công Thương từng cho hay, trang thiết bị của nhà máy Bột giấy Phương Nam lần đầu tiên được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới chưa có dây chuyền nào hoạt động, do đó, khi chạy thử có tải đã phát sinh khiếm khuyết, nên không thể thành công.
Bản thân chuyên gia của nhà thầu cũng không cam kết việc dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng trong khi máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký không có thiết bị dự phòng và thay thế, ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sau này của Nhà máy.
Mặt khác, dự án tiêu hao nguồn năng lượng lớn và giá nguyên liệu đầu vào cũng có sự thay đổi đáng kể so với khi lập dự án với mức giá mua đay thực hiện là 850 đồng/kg, thay vì mức 180 đồng/kg như khi lập dự án. Chưa kể giống đay được trồng năng suất thấp, lượng đay mua được trong 2 năm 2012-2013 thậm chí chỉ đủ cho nhà máy chạy trong… 14 ngày.
Ngay cả trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Điều này khiến nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.
Phương Dung