Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: "Lo khoảng cách tụt hậu càng gia tăng"

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trên nghị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trên nghị trường.

Lo khoảng cách tụt hậu tăng

Báo cáo giải trình trước nghị trường chiều nay (27/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, hạn chế cho thấy khả năng rủi ro của nền kinh tế thời gian tới như chất lượng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế, sức cạnh tranh, hiệu quả của đầu tư công, phát triển của doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo, xử lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với thách thức như chiến tranh thương mại, biến động giá dầu khó lường, tỷ giá, lãi suất gây áp lực khá lớn đến điều hành kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng nói.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng có đề cập tới vấn đề tụt hậu và khoảng cách phát triển của Việt Nam so với các nước. Theo Bộ trưởng, GDP bình quân đầu người dự kiến 2018 của Việt Nam đạt 2.450 USD và mục tiêu Đại hội Đảng đề ra năm 2020 là 3.200 - 3.500 USD.

"Như vậy giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng", ông nêu.

Bộ trưởng Dũng cho biết, chúng ta cũng đã từng bước khắc phục được những tồn tại, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay vừa phải duy trì, củng cố kết quả đạt được nhất là việc ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng… đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đi vào quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững trong thời gian dài tránh nguy cơ tụt hậu.

Liên quan đến phát phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, gần đây doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, con số chờ giải thể 9 tháng tăng cao do nguyên nhân: quy luật cạnh tranh, những doanh nghiệp yếu bị thay thế; thực chất chúng ta thấy việc tiếp cận yếu tố đầu vào của sản xuất là khó khăn đối với doanh nghiệp như vốn, công nghệ, đất đai, chi phí vận chuyển nên việc doanh nghiệp hoạt động sau một thời gian không hiệu quả và tự rút lui.

Bên cạnh đó, năm nay từ tháng 4 các địa phương tập trung rà soát số liệu doanh nghiệp từ trước đến nay đã có tổng hợp nhưng không đầy đủ lần này rà soát lại nhiều doanh nghiệp đã giải thể trước đó mà không được thống kê. Cuối cùng là do một số doanh nghiệp có hiện tượng trục lợi chính sách, buôn bán hoá đơn.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không?

Đặt câu hỏi, mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có đạt được không, Bộ trưởng Dũng cho biết, đến hôm nay đã có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 2 năm nữa còn khoảng 300.000 doanh nghiệp, tôi cho rằng, cần triển khai hỗ trợ đầy đủ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan toả. Đối với doanh nghiệp FDI, có bộ lọc không thu hút FDI bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Ở góc nhìn khác, phát biểu trước đó, cũng đề cập tới mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, hiện tại chúng ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhiệm vụ 2 năm nữa gần như là bất khả thi. Nhất là khi doanh nghiệp dừng hoạt động nhiều. 5 triệu hộ kinh doanh cá thể không chịu lớn.

"Rào cản là ở việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kiên định mục tiêu để các hộ kinh doanh cá thể có thể lớn", ông nói.

Ông Lộc cho rằng: "Cần phải trên nóng, dưới nóng và giữa cũng nóng chứ không thể như hiện tại là trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh. Tôi tin mục tiêu 2-3 triệu doanh nghiệp tưởng khó nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực".

Phương Dung

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: "Lo khoảng cách tụt hậu càng gia tăng" - 2