Đại biểu Quốc hội lo lắng về lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể lớn
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, nguồn lực xã hội lớn do các doanh nghiệp thành lập mới nhưng số lượng doanh nghiệp chờ phá sản chiếm tỷ trọng cao, trên 50.000 doanh nghiệp, cho thấy hiệu qủa cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 23/10, Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP HCM) đánh giá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI với tỷ trọng xuất khẩu lên tới 70%. Trong khi đó, liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa yếu, nguồn nguyên liệu nhập khá lớn.
"Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế thế giới có sự biến động, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên áp lực tỷ giá, lãi suất cao", ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, nhìn lại 1 năm qua hệ thống tài chính khá ổn định dù có biến động lớn từ bên ngoài, điều hành lãi suất, cung tiền, ngoại hối khá tốt, đây là thành công lớn của năm 2018, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên một vài thời điểm có căng thẳng tỷ giá, và xu hướng tới cuối năm và năm 2019 lãi suất sẽ tăng dần, VND mất giá so với các đồng ngoại tệ mạnh, nhất là USD.
"Đây là thách thức lớn với ổn định vĩ mô, gâp áp lực tới điều hành tiền tệ và tài khoá tới đây. Nếu không có điều hành quyết liệt ,tiết kiệm chi tiêu công, thu chi ngân sách… sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất của doanh nghiệp", ông Tuấn nhận định.
Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, nguồn lực xã hội lớn do các doanh nghiệp thành lập mới nhưng số lượng doanh nghiệp chờ phá sản chiếm tỷ trọng cao, trên 50.000 doanh nghiệp, cho thấy hiệu qủa cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.
Qua theo dõi chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, một số chi phí không được cải thiện như chi phí logistic khiến giá hàng hoá dịch vụ cao, sức cạnh tranh ngang giá so với sản phẩm cùng loại chưa hấp dẫn; chưa kể chất lượng, mẫu mã chưa cải thiện. Chi phí không chính thức vẫn chưa cải thiện, khiến doanh nghiệp gặp khó trong hạch toán trong sản xuất.
Đồng quan điểm, tham gia thảo luận, Đại biểu Phạm Phú Quốc cũng lo lắng về lượng doanh nghiệp giải thể lớn, tăng 46% so với cùng kỳ 2018. Ông cho rằng, vấn đề này cần nhìn nhận để có giải pháp, Chính phủ cần tạo môi trường để doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Ông Quốc quan ngại, môi trường doanh nghiệp trong nước ra sao khiến doanh nghiệp trong nước ngày càng "tụt" so với FDI. Ví dụ Samsung, mối quan hệ giữa Nam - Bắc Hàn tốt thì họ có thể thay đổi cơ cấu đầu tư, khi đó lượng vốn rót vào đầu tư ở Việt Nam có còn giữ ở mức cao? Đây là thực tế cần đặt ra, tính toán.
Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng, hiện Việt Nam thiếu hẳn thị trường vốn để cung ứng cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn dựa vào chủ yếu là vốn vay.
Bàn về giải pháp, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, ổn định kinh tế vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ông lưu ý chính sách tiền tệ cần thận trọng. Đơn cử từ nay tới cuối năm cần ưu tiên ổn định tỷ giá và cố gắng không tăng lãi suất, để kiểm soát chi phí hoạt động doanh nghiệp. Cũng cần thận trọng trong cung tiền, không nên cung tín dụng nhiều hơn 16%, dưới 16% là hợp lý. Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng dự trữ ngoại hối, khoảng 60 tỷ USD, để giữ cân bằng đồng tiền.
Phương Dung