1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Dũng nói gì về dự luật bị chê như “bài văn mẫu”?

(Dân trí) - Từng gây thất vọng vì “giống một bài văn mẫu không đáng được chấm điểm”, dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã được chỉnh sửa khi trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tuy vậy, vẫn còn những ý kiến góp ý về tính khả thi của dự luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu tối đa “dù không phải tất cả” để hoàn thiện và bày tỏ: “Xin Quốc hội chấp nhận cho”.

Hồi trung tuần tháng 4, một hội thảo lấy ý kiến về dự luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đã được tổ chức với đa phần ý kiến tỏ ra thất vọng trước một dự luật được coi là quan trọng nhất để phát triển DN tại Việt Nam.

Thời điểm đó, ông Phan Đăng Tuất, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết đọc mà thấy rất buồn, bởi “nó giống một bài văn mẫu và không đáng được chấm điểm”. Dự thảo luật có 20 trang với 38 điều thế nhưng, cả giới chuyên gia và DN đều đánh giá là “bất khả thi”, thậm chí còn làm khó DNNVV nếu được ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện dự luật để trình Thường vụ Quốc hội lần cuối trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện dự luật để trình Thường vụ Quốc hội lần cuối trong thời gian tới.

Xin bảo lãnh tín dụng: Mất thời gian cho DN?

Tại phiên thảo luận chiều 23/5, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật khi trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, việc hỗ trợ kịp thời, đúng nơi, đúng chỗ, có công bằng hay không lại phụ thuộc rất lớn vào những người thực thi các chính sách trên, đó là những cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính Nhà nước.

“66% DN vẫn phải trả các chi phí không chính thức, đây là con số của VCCI có được khi khảo sát 11.000 DN. Điều đó cho thấy vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN. DN vẫn phải bôi trơn để có thể giải quyết được thủ tục hành chính, để có thể được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước”, đại biểu phân tích.

Trong khi đó, theo nhận xét của ông, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hỗ trợ DNNVV được quy định tại dự thảo luật chủ yếu là các quy định xử lý vi phạm đối với các DN vi phạm, chưa có quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hỗ trợ DNNVV đối với cán bộ, công chức và các tổ chức liên quan.

Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị xem lại nội dung bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm của DN.

Theo đó, ông Đồng cho rằng, bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên đủ những yếu tố này không khác nào các chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường, nghĩa là không có gì ưu đãi, ưu việt hay thuận lợi cho DNNVV, hay nói cách khác chính sách hỗ trợ này không khả thi trên thực tế, thậm chí còn phức tạp hơn DNNVV gõ cửa các tổ chức tín dụng.

Bởi lẽ, theo đại biểu, qua bảo lãnh tín dụng của Nhà nước còn thêm thủ tục, thêm thời gian, không phải đối tượng nào cũng được hưởng nên không thể nhanh chóng và thuận lợi bằng việc vay vốn trực tiếp từ các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) thì băn khoăn với nội dung “hoàn trả chi phí hỗ trợ” và nghi ngờ về tính khả thi của nội dung này.

“Có lĩnh vực chúng ta có thể cụ thể hóa, lượng hóa bằng tiền, nhưng phần lớn DN cần là cần hỗ trợ khác mà những vấn đề này lượng hóa như thế nào để khi chúng ta xác định chi phí hoàn trả bắt buộc DN phải có trách nhiệm để hoàn trả chi phí?”, vị đại biểu đặt câu hỏi, vì hỗ trợ thì dễ nhưng đến khi hoàn trả thì không hề đơn giản.

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã được chỉnh sửa nhiều điểm so với lần trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2.
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã được chỉnh sửa nhiều điểm so với lần trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 2.

Đến nay mới có Luật hỗ trợ DNNVV là “quá chậm”!

Thay mặt ban soạn thảo trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ nhất ý kiến mà các đại biểu góp ý. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, có những vấn đề rất khó luật hóa như góp ý của các đại biểu, có vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp. Do đó, cơ quan soạn thảo hứa “cố gắng tiếp thu tối đa nhưng không phải hết cả tất cả”.

Với tinh thần ủng hộ kinh tế tư nhân phát triển, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một luật để hỗ trợ DNNVV, trong khi trên thế giới nhiều nước đã ban hành luật này từ rất lâu, như Nhật Bản ban hành năm 1963, Hàn Quốc từ 1965. “Với chúng ta, đến nay là quá chậm”, ông Dũng nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ KHĐT khẳng định, cách tiếp cận của dự thảo luật đó là xác định nhu cầu mà các DNNVV cần để thiết kế nội dung hỗ trợ chứ không phải mình có gì thì cấp cho DN.

“Chúng tôi đã khảo sát tất cả nhu cầu của các DN, các khó khăn, vướng mắc, các tồn tại, hạn chế hiện nay. Tại sao các DN của ta không lớn lên được, tại sao không thành lập được, thành lập lên rồi tại sao hoạt động khó khăn? Tất cả nhu cầu đấy đều đã được tổng hợp và khái quát hóa lên để đưa vào thành 7 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu trong dự thảo luật”, Bộ trưởng nói.

Một trong những vấn đề mà các đại biểu băn khoăn trong vấn đề hỗ trợ DN là có nhiều quỹ quá không? Ông Dũng cho biết, thực chất đầu tiên xây dựng có 4 quỹ, nhưng sau đó đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần trước bỏ đi 1 quỹ là quỹ đầu tư bảo hiểm.

Hiện còn 3 quỹ nhưng thực chất 2 quỹ đã có là quỹ phát triển DNNVV và quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động. Chỉ bổ sung thêm 1 quỹ mới là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. “Chúng tôi cho rằng 3 quỹ cũng là hợp lý và cũng theo các mục tiêu của chúng ta. Xin Quốc hội chấp nhận cho”, ông Dũng bày tỏ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình những nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng luật khung, tiêu chí phân loại DNNVV, hỗ trợ DN qua tổ chức trung gian, hỗ trợ qua thuế suất, về hỗ trợ mặt bằng sản xuất.

Ông cũng khẳng định sẽ “có nghiên cứu và báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần cuối về các vấn đề khác như về lao động, các ý kiến này, các ý kiến khác nữa”.

Bích Diệp